'Chuyến bay giải cứu', hệ lụy không chỉ là những bản án

(ĐTTCO) - Đại án “chuyến bay giải cứu” được Tòa án Nhân dân Hà Nội đưa ra xét xử từ ngày 11-7, dự kiến kéo dài 1 tháng. Cáo trạng hơn 100 trang của cơ quan công tố và lời khai của các bị cáo, khiến mọi người ngỡ ngàng và xót xa.

Thế nhưng, dù bản án có đưa ra những tuyên phạt nghiêm khắc nhất, hệ lụy vẫn không dễ nguôi ngoai cho nhiều gia đình và cho cả xã hội.

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, không ít công dân Việt Nam đang kẹt ở nước ngoài, trong đó phần lớn là du học sinh và những người xuất khẩu lao động. Thân phận tha phương trăm ngàn gian khó lại gặp hoàn cảnh cam go đại dịch, ai cũng mong mỏi được trở về quê hương tìm kiếm không gian yên ấm hơn, an toàn hơn.

Chủ trương thực hiện chuyến bay giải cứu rất cần thiết và đúng đắn. Vậy mà, những kẻ đang có chức vụ trong bộ máy nhà nước đã cấu kết với những doanh nghiệp cơ hội để móc túi đồng bào. Doanh nghiệp thì phân bua vì bị làm khó nên phải đưa hối lộ, còn cán bộ nhận hối lộ phải giải thích thế nào?

Theo kết quả điều tra, 21 bị cáo nguyên là cán bộ ở nhiều vị trí khác nhau, đã hơn 500 lần nhận hối lộ từ doanh nghiệp, tổng cộng gần 165 tỷ đồng. Có thể kể vài trường hợp tiêu biểu: cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 37 lần với số tiền 21,5 tỷ đồng; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 32 lần với số tiền 25 tỷ đồng; cựu trợ lý Phó Thủ tướng Nguyễn Quang Linh nhận hối lộ 5 lần với số tiền 4,2 tỷ đồng; cựu Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận hối lộ 7 lần với số tiền 2 tỷ đồng; cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận hối lộ 9 lần với số tiền 5 tỷ đồng; cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhận hối lộ 2 lần với số tiền 1,8 tỷ đồng…

Kỳ quái hơn, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ 253 lần với số tiền 42,6 tỷ đồng và bị cáo Vũ Tuấn Anh (cựu Phó trưởng phòng thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nhận hối lộ 49 lần với số tiền 27,3 tỷ đồng.

'Chuyến bay giải cứu', hệ lụy không chỉ là những bản án ảnh 1

Trước hội đồng xét xử, nhiều bị cáo quanh co lấp liếm bằng những kiểu tư biện rất buồn cười. Đã bước chân vào quan trường, nhiều bị cáo vẫn xảo ngôn rằng bản thân không biết gì về hành vi sai phạm khi nhận hối lộ. Bị cáo Tô Anh Dũng nói: "Doanh nghiệp gặp, bị cáo không đòi hỏi gì. Doanh nghiệp tổ chức chuyến bay xong đến báo cáo kết quả, bị cáo lắng nghe để rút kinh nghiệm thêm. Bị cáo có nhận quà nhưng không mở ra xem, chỉ nhận thức đó là quà họ cảm ơn”.

Còn bị cáo Trần Văn Tân nói: “Bị cáo nhận thức đây là tiền của doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận”. Dù có giả vờ ngây thơ hay trắng trợn, hành vi tham nhũng trong đại án “chuyến bay giải cứu” cũng là vết nhơ không cách nào tẩy rửa của những kẻ táng tận lương tâm.

Trước khi phơi lộ bộ mặt nhem nhuốc trước ánh sáng công lý, hầu hết cán bộ trong đại án “chuyến bay giải cứu” đều được xem như biểu tượng thành đạt ở các lĩnh vực khác nhau. Người thân, đồng nghiệp, láng giềng của họ... rồi đây vì sự tham lam và sự ích kỷ của họ mà phải thở dài ngao ngán hoặc trách móc ngậm ngùi. Thử lấy câu chuyện của bị cáo Trần Văn Dự mà suy ngẫm.

Với quân hàm Đại tá, Trần Văn Dự giữ chức Cục phó Cục An ninh điều tra của Bộ Công an từ tháng 6-2015. Đến tháng 2-2022, khi Trần Văn Dự nghỉ chờ hưu thì bị khởi tố. Theo lời khai của Trần Văn Dự, giai đoạn đầu giải quyết đề nghị cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp không được cấp dưới báo cáo về việc doanh nghiệp đến đưa tiền.

Đến tháng 7-2021, cấp dưới trực tiếp của Trần Văn Dự là Vũ Anh Tuấn báo cáo doanh nghiệp đưa 7 lần, tổng cộng 7,5 tỷ đồng. Trần Văn Dự biện minh: “Tôi thấy Vũ Anh Tuấn báo cáo nói đây là tiền doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, người ta tổ chức thành công thì cảm ơn sự hỗ trợ, có mấy anh em chia cho nó hài hòa. Tôi với Vũ Anh Tuấn mỗi người 3,5 tỷ còn cán bộ Vũ Sỹ Cường ít hơn, khoảng tỷ rưỡi”. Ngoài ra, Trần Văn Dự còn nhận 100 triệu đồng “tiền cảm ơn và chúc tết” của hai doanh nghiệp.

Theo thái độ ăn năn của cựu đại tá Trần Văn Dự, khi thấy một số cán bộ Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao bị bắt, bản thân đã nhận thức được vấn đề và thấy hành vi của mình là sai. Do vậy, khi làm việc với cơ quan điều tra, Trần Văn Dự đã nhận tội, khai báo thành khẩn ngay từ đầu vì xác định "đây là những khoản tiền mình nhận và mình chỉ đạo chia là sai hoàn toàn".

Bị cáo Trần Văn Dự trình bày trước phiên tòa: “37 năm trong lực lượng công an, 35 năm 6 tháng rất trong sạch, nhưng 6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu thì vấy bẩn. Tôi nói với gia đình phải khắc phục và đến nay đã khắc phục 100% số tiền tôi đã nhận”.

Còn bao nhiêu bị cáo khác trong số 21 bị cáo nhận hối lộ cũng có hoàn cảnh phạm tội giống như cựu đại tá Trần Văn Dự? Đồng tiền luôn có hai mặt trắng và đen. Không có đồng tiền lương thiện nào lại dễ đến trên tay. Một khi đồng tiền không có mùi mồ hôi, nó ắt sẽ có mùi của bất lương và tội ác. Những người có quyền lực kém tu dưỡng không thể thắng được sức cám dỗ của đồng tiền. Không thể không khẳng định một sự thật đau lòng, rằng đồng tiền quẩn quanh cái ghế cán bộ thì chính nó sẽ dẫn lối đến song sắt nhà tù.

Lẽ ra, với những cán bộ được tín nhiệm giao trọng trách thực hiện “chuyến bay giải cứu” càng phải thấu hiểu mục đích nhân văn của hoạt động ân nghĩa này. Vậy mà, họ đã xem như dịp may “ngàn năm có một” để tranh thủ vơ vét. Những cuộc ngả giá trong bóng tối và những cuộc giao dịch phi đạo đức nơi công sở, không khác gì cuộc diễu hành của những trái tim vô cảm.

Tham nhũng trong điều kiện bình thường đã khó chấp nhận, tham nhũng trong thời điểm đại dịch hoành hành càng không thể tha thứ. Những đồng tiền chắt bóp của người dân xa xứ để mưu cầu sự chở che quê hương lúc hoang mang và sợ hãi vì Covid-19, khi chui vào túi cán bộ tha hóa đã trở thành những đồng tiền tanh tưởi và bẩn thỉu. Những lời đay nghiến và nguyền rủa của dư luận hướng về những kẻ nhận hối lộ ở đại án này không phải không có lý do chính đáng.

Đại án “chuyến bay giải cứu” sẽ có những phán quyết đúng người, đúng tội. Thế nhưng, hệ lụy đâu chỉ là những bản án thích đáng. Bởi lẽ, sự nhục nhã vẫn còn nguyên trong thân nhân của những bị cáo, và sự tổn thương vẫn còn nguyên trong tâm trí người đời.

Các tin khác