Chuyện bây giờ về nhạc ngày xưa

(ĐTTCO) - Sau rất nhiều ý kiến của dư luận, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thực sự lúng túng về cách ứng xử với các ca khúc sáng tác trước năm 1975. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề trên tinh thần ca khúc nào đã quen thuộc, nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng không nên cấm lưu hành. Khởi đầu của vụ lùm xùm là văn bản đề nghị tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trữ tình, trong đó nổi bật nhất là bài hát “Con đường xưa em đi” với lý do chưa đảm bảo bản quyền. Thế nhưng, trước những chứng cứ phản biện về dị bản của “Con đường xưa em đi”, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại khẳng định nếu làm đơn xin sẽ cho hát lại. Đã từng cho hát một thời gian dài, lại cấm, rồi lại đòi thêm thủ tục thật khó hiểu.

(ĐTTCO) - Sau rất nhiều ý kiến của dư luận, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thực sự lúng túng về cách ứng xử với các ca khúc sáng tác trước năm 1975. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề trên tinh thần ca khúc nào đã quen thuộc, nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng không nên cấm lưu hành. Khởi đầu của vụ lùm xùm là văn bản đề nghị tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trữ tình, trong đó nổi bật nhất là bài hát “Con đường xưa em đi” với lý do chưa đảm bảo bản quyền.

Thế nhưng, trước những chứng cứ phản biện về dị bản của “Con đường xưa em đi”, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại khẳng định nếu làm đơn xin sẽ cho hát lại. Đã từng cho hát một thời gian dài, lại cấm, rồi lại đòi thêm thủ tục thật khó hiểu.

Bất ngờ hơn, vì muốn tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Đại học Y Dược Huế, công chúng phát hiện thêm ca khúc “Nối vòng tay lớn” cũng chưa từng được cấp phép biểu diễn. Tuy viết trước năm 1975, nhưng “Nối vòng tay lớn” đã xuất hiện trong các chương trình ca nhạc lớn nhỏ suốt hơn 40 năm qua. Hãy nhớ rằng, ngày 30-4-1975 chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát “Nối vòng tay lớn” trên đài phát thanh trong thời khắc thiêng liêng thống nhất non sông. Rõ ràng, cơ chế xin - cho, phải xin mới cho, đã tạo ra những chuyện dở khóc dở cười.  

Những bất cập của Cục Nghệ thuật biểu diễn được giải thích do số lượng ca khúc trước năm 1975 quá nhiều, nếu không có người đứng ra xin phép không biết đường nào để cấp giấy phép. Nghe qua có lý, nhưng ngẫm kỹ khó thuyết phục. Bởi lẽ, nếu có thiện chí Cục Nghệ thuật biểu diễn không phải đơn vị duy nhất gánh vác toàn bộ sứ mệnh nặng nề này.

Tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn không phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để có một cuộc thẩm định căn cơ và bài bản? Để gỡ rối cho Cục Nghệ thuật biểu diễn, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam  Đỗ Hồng Quân có văn bản đề xuất: “Vì không thể sưu tầm hết các bản gốc của các bài hát trước năm 1975 (ước tính có hàng ngàn bài) để cấp phép theo từng đợt như vẫn làm, nên chăng giao các Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch các tỉnh, thành tự chịu trách nhiệm thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Sẽ gây bất bình và phát sinh nhiều hệ luỵ, nếu vẫn áp dụng cơ chế xin - cho và áp dụng biện pháp cấm đoán tùy tiện đối với những ca khúc trước năm 1975. Trường hợp “Con đường xưa em đi” hoặc “Nối vòng tay lớn” chỉ là giọt nước tràn ly. Cách ứng xử khéo léo và bền vững nhất là ngành văn hóa phải rà soát và công khai danh sách những ca khúc không được cấp phép biểu diễn, để giới âm nhạc và giới thưởng thức có căn cứ biết rằng những ca khúc còn lại đều được phép biểu diễn.

Các tin khác