Chuyển đổi công nghệ là xu thế của thời đại

(ĐTTCO) - Năm mới 2025 không chỉ đánh dấu 50 năm non sông liền một dải, mà còn là cột mốc cộng đồng cùng tin tưởng bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đất nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, việc đưa đất nước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình là phù hợp với xu thế thời đại và thực tiễn kinh nghiệm của các nước đi trước. Lịch sử phát triển của nhân loại cũng đã chứng minh, để một quốc gia vươn lên trong nền chính trị - kinh tế và văn minh của thế giới phải có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo được sự thay đổi căn bản nhất. Kỷ nguyên mới đang đặt ra yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các ngành, các lĩnh vực, các lực lượng, của cả hệ thống chính trị và của cả toàn dân tộc.

Ở một góc nhìn mà ĐTTC muốn nói đến từ bài học của các quốc gia đi trước, để vươn lên theo xu thế, theo thời đại, ngoại giao kinh tế đóng vai trò quan trọng. Bởi khi định vị Việt Nam thuận lợi trong dòng chảy thời đại, mới có thể kết hợp sức mạnh của dân tộc với dòng chảy thời đại, phục vụ cho sự vươn mình của đất nước.

Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời với môi trường khu vực và thế giới bên ngoài. Yếu tố bảo đảm cho sự vươn lên của dân tộc là môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, ổn định cho sự phát triển của đất nước. Do đó, nhiệm vụ của đối ngoại phải củng cố và vững vàng trước biến động, tạo điều kiện cho đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

Đối ngoại đóng vai trò kiến tạo, mở ra động lực và cơ hội mới cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Trong đó nội lực là cơ bản, lâu dài, và ngoại lực có tính đột phá. Đó là các nguồn lực về thương mại, đầu tư, ODA, các xu thế phát triển và liên kết kinh tế; là trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, dựa trên luật pháp quốc tế, là sức mạnh của kỷ nguyên cách mạng khoa học – công nghệ, là kinh tế tri thức, là toàn cầu hóa và các xu thế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Để đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, cũng đòi hỏi phải xây dựng một nền ngoại giao kinh tế toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Theo đó, việc sắp xếp, đổi mới bộ máy đối ngoại tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, song hành với việc có các cơ chế chính sách thuận lợi, có các nguồn lực đủ mạnh cho công tác đối ngoại.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao không chỉ có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị mà còn phải dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám tiên phong đột phá, có trình độ ngoại giao ngang tầm với quốc tế.

Nói như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nếu nhìn lại bài học của các nước đi trước, của các “con rồng, con hổ” ở châu Á, thì trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam hiện nay với trọng tâm là ngoại giao kinh tế, tức phải làm thế nào để đưa đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới, mới có cơ hội mới cho các đột phá chiến lược của đất nước.

Thế giới hiện nay đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học - công nghệ để có thể bứt phá đi lên.

Các tin khác