Kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP TPHCM đến năm 2025
Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện các Bộ ngành, các chuyên gia nghiên cứu và các tổ chức tài chính, đầu tư trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, chúng ta đang sống ở giai đoạn thế giới có 2 nền kinh tế, đó là kinh tế kỹ thuật số và kinh tế truyền thống. Trong đó, kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ áp đảo kinh tế truyền thống.
Trong môi trường đó, TPHCM đặt mục tiêu 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP. Đến năm 2030, là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại và kinh tế số chiếm 40%.
TPHCM cũng đã xây dựng kế hoạch hành động quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặt mục tiêu sớm đưa công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo vào TPHCM, trung tâm tư vấn chuyển đổi số hoạt động có hiệu quả hơn, triển khai đề án TP thông minh giai đoạn 2, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo để tạo ra hệ sinh thái toàn diện phục vụ kinh tế số TP.
“Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế xã hội TPHCM nhưng cũng từ môi trường này, yêu cầu ứng phó với dịch bệnh đã thúc đẩy chuyển đổi số lại phát triển mạnh mẽ nhiều lĩnh vực, nhiều DN và địa phương sử dụng công nghệ số để phòng chống dịch và giảm thiểu tác động tiêu cực do đại dịch” - Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, trong năm 2021, TPHCM đã trải qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Thế nhưng, chính trong đại dịch Covid-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số đã được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể.
Do đó, ngay trong quý 1-2022, TPHCM đã đưa nền kinh tế phục hồi sớm hơn dự kiến, đóng góp tích cực vào đà phục hồi chung của cả nước. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong thời gian vừa qua mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu và tiềm năng phát triển còn rất lớn, do đó chính quyền TP cần tập trung khai thác tiềm năng này trong thời gian tới.
Trong phần đề dẫn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau 2 năm trì hoãn bởi đại dịch, Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022 đã diễn ra. Đây là sự kiện quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh đến các lĩnh vực kinh tế đời sống xã hội, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Với vai trò vị trí của mình và trên cơ sở chính sách chung của Chính phủ về chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số đến năm 2025 định hướng năm 2030, TPHCM đã và đang tập trung triển khai chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 định hướng 2030 và gắn với chương trình này là 6 chương trình đột phá 2021-2025.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, công nghệ số đã trở thành công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Do đó, khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025, TP đề ra mục tiêu và quyết sách thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tiến tới cơ hội phát triển nhanh kinh tế số, hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và phát triển đô thị, tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo và phát triển, giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế phía Nam và cả nước.
4 nội dung quan trọng đưa TPHCM thành TP dịch vụ công nghệ theo hướng hiện đại
Tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh về 4 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, TPHCM với quy mô hơn 10 triệu dân, đóng góp khoảng 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ 32% số DN hoạt động cũng như có tiềm lực về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Do đó, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, TP dịch vụ công nghệ theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của khu vực trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu đổi mới sáng tạo.
Đến 2030, TP là TP dịch vụ công nghiệp hiện đại, TP văn hoá đầu tàu kinh tế số xã hội số chính quyền số và trung tâm kinh tế tài chính công nghệ khoa học công nghệ thương mại và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, trong đó phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030 trong GRDP của TP.
Thứ hai, TPHCM đang triển khai các chính sách của Trung ương trên địa bàn cùng với các hệ thống giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, thông qua từng chương trình, đề án từng năm để đồng hành cùng DN xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị, chỉ số hành chính công cấp tỉnh…
Triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP giai đoạn 2020-2030 để thúc đẩy phát triển đô thị sáng tạo, TP thông minh, kinh tế số , triển khai đồng hạ tầng số, triển khai chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với mô hình số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
Triển khai trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nghiên cứu triển khai đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM với 3 chứng năng là thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh, vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.
Thứ tư, kinh tế TP với 95% DNNVV và hơn 200.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Để nâng cao hiệu quả năng suất cạnh tranh của các DN và hộ kinh doanh, nổi bật là yếu tố nhân lực, bao gồm nhân lực chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Như vậy, động lực và trở lực đan xen nhau.
Trong chuyển đổi số, công nghệ quan trọng nhưng yếu tố con người quan trọng hơn, do đó vấn đề đặt ra là vai trò của nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để DN thấy được lợi ích và vượt qua thách thức để chuyển đổi số. Đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, mối quan hệ của Nhà nước, DN và người dân cũng cần chú trọng trong quá trình chuyển đổi số.
(i) Bức tranh chung về chuyển đổi số trong DN ở TPHCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030;
(ii) Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TPHCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030;
(iii) Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN: thách thức và giải pháp;
(iv) Chuyển đổi số trong DN: kinh nghiệm và bài học thành công của DN trong nước và quốc tế. Qua đó, trao đổi tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn Thành phố, giúp doanh nghiệp Thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh.