Chuyển đổi số là một trong những hoạt động mở đầu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự chuyển mình của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh bình thường mới. Quá trình này được ví như “cây đũa thần” giúp DN đi trên một con đường siêu tốc nhanh nhất khi buộc phải tái cấu trúc và chuyển đổi chiến lược sản xuất kinh doanh.
Nhìn nhận và thực tế quá trình chuyển đổi số của các DN tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chuyên gia kinh tế, chiến lược cách mạng 4.0 cho rằng, mặc dù các DN đã ít nhiều có những những động thái trong chuyển đổi số song quá trình này theo đánh giá là chưa thực chất. Nhiều DN, cơ quan mới số hóa được một phần nhỏ nhưng đã ngộ nhận đã chuyển đổi số thành công. Các DN Việt thường đợi áp lực từ trên mới bắt đầu chuyển đổi số, rất ít khi chủ động tìm hiểu để chuyển đổi số trong DN của mình.
“Có không ít người nhầm lẫn 2 khái niệm chuyển đổi số và số hóa. Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số. Ví dụ như việc thay vì quản lý hồ sơ nhân viên bằng file cứng thì nay bộ phận nhân sự các doanh nghiệp đã có thể nhập liệu lên file excel và quản lý trên đó bằng các phần mềm. Còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu đã được số hóa, con người phải sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, big data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác nên đây là mức độ cao cấp hơn số hóa”, Chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia, để chuyển đổi số thành công, các DN có thể sử dụng 4 sản phẩm nổi bật. Một là các ứng dụng, tác nghiệp kỹ thuật số; hai là tương tác với khách hàng trên môi trường số, chia sẻ dữ liệu với khách hàng. Điểm thứ 3, thứ 4 là chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, sản phẩm mới và mô hình kinh doanh mới.
Đồng tình với những giải pháp trên, chuyên gia Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) chia sẻ, hóa đơn điện tử giúp đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
“Triển khai hóa đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, các cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác. Dùng hóa đơn điện tử giúp áp dụng công nghệ thông tin, ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế”, ông Phụng cho biết.
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện, đây là một môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, thu hẹp “khoảng cách số” giữa khu vực thành thị/nông thôn và là tiền đề vững chắc góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
“Năm 2022, EVN dự kiến cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình DN số vào năm 2025. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo chuyển đổi số cùng các ban chuyên môn của EVN, các đơn vị thành viên cần tập trung triển khai những nhiệm vụ được giao đúng tiến độ. Trong đó hoàn thành nhiệm vụ của 4 lĩnh vực trọng yếu gồm: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng”, ông Thành chia sẻ.
Là người có cơ hội được tiếp xúc với chuyển đổi số từ sớm, CEO Lê Dung, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup cho rằng: “Các DN buộc phải chuyển mình để thích nghi với trạng thái bình thường mới, khi nhà nhà chuyển đổi số, người người chuyển đổi số thì DN không có cách nào khác nếu muốn phát triển bền vững trong nền kinh tế số. Một điều thiết thực hơn cả trong lúc này chính là hóa đơn điện tử sẽ giúp DN tiệm cận gần đến tính minh bạch trong quản trị”, CEO Lê Dung nhấn mạnh.