Chuyển đổi SX nông nghiệp ứng phó thiên tai

(ĐTTCO)-Trải qua khó khăn của năm 2015 như hạn hán nghiêm trọng, thị trường nông sản rơi vào vòng xoáy giảm giá toàn cầu… nơi nào kịp chuyển đổi sản xuất, nơi đó sẽ giữ và phát huy được hiệu quả kinh tế từ các ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

(ĐTTCO)-Trải qua khó khăn của năm 2015 như hạn hán nghiêm trọng, thị trường nông sản rơi vào vòng xoáy giảm giá toàn cầu… nơi nào kịp chuyển đổi sản xuất, nơi đó sẽ giữ và phát huy được hiệu quả kinh tế từ các ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

 

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, hạn hán nghiêm trọng đã khiến hàng chục nghìn ha cây trồng không thể thu hoạch và cũng không thể gieo cấy vụ tiếp theo.

Chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước cho cây trồng và gia súc trong thời gian tới. Chưa bao giờ ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề vì thiên tai đến thế.

Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp gặp phải trong năm 2015, như tổng kết của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12.

Song song với khó khăn trên là thị trường nông sản rơi vào vòng xoáy giảm giá toàn cầu, khiến nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy vậy, nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo đà tăng trưởng GDP của ngành đạt 2,3%; giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản tăng 2,6%, qua đó tạo ra nhiều công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân.

Và điều quan trọng nhất là chúng ta vẫn giữ được các thị trường, thậm chí mở cửa được nhiều thị trường mới, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực hoa, quả, năm 2015, nhiều loại quả như nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản… góp phần giúp cho xuất khẩu ngành hàng này liên tục tăng trưởng mạnh.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong năm qua, nơi nào kịp chuyển đổi sản xuất, nơi đó sẽ giữ và phát huy được hiệu quả kinh tế từ các ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

“Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương quan tâm quyết liệt, có những điều chỉnh linh hoạt. Chúng ta đã xử lý thành công vụ Đông Xuân ấm ở miền Bắc trong điều kiện khó khăn về lúa gạo để có được vụ mùa tăng thêm hơn 300.000 tấn lúa”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Tuy vậy, để toàn ngành nông nghiệp sẵn sàng đối diện với năm 2016 được đánh giá là vẫn có khó khăn như trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương tập trung đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất để thích ứng với khí hậu.

Cùng với đó là việc bố trí ngân sách cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cần được chú trọng hơn để giữ được lòng tin người tiêu dùng trong nước và quốc tế với nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu hướng sản xuất gắn với thị trường trong thời gian tới cho một số ngành hàng: “Đề nghị các tỉnh rà soát tình hình nguồn nước để điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất. Ví dụ như Ninh Thuận cần chuyển hẳn sang cây trồng cạn, đồng thời dùng giải pháp kỹ thuật để sản xuất tiết kiệm và hiệu quả.

Chúng ta nên tận dụng vụ Đông Xuân để mở rộng sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao. Việt Nam đang sản xuất hơn một nửa lượng hạt điều của thế giới nên các tỉnh sản xuất điều cần tập trung mạnh vào chất lượng các vườn điều”.

Các tin khác