Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, xã Lý Lịch (nay là xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Khi diện tích rừng ngày càng suy giảm, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đối mặt nguy cơ mai một về văn hóa truyền thống nhưng vẫn có tình yêu mãnh liệt với rừng.
Cánh rừng tự nhiên của già Năm
Trong lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu còn ghi lại: “Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định thành lập đội vũ trang để chuẩn bị cho việc khởi nghĩa. Một đội vũ trang khoảng 35 người được thành lập. Đêm 23-11-1940, thanh niên, nông dân các làng Mỹ Lộc, Mỹ Quới, Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An nổi trống, mõ tre, thổi tù và để uy hiếp tinh thần bọn tề xã, tề tổng. Nhưng do kế hoạch khởi nghĩa ở Nam kỳ đã bị lộ từ bên trên, nên trước đó ít ngày thực dân Pháp ở Biên Hòa, Tân Uyên đã ra lệnh giới nghiêm, tăng cường lực lượng, dời kho đạn Bình Ý về Thành Tuy Hạ, tăng cường lục soát, mở những cuộc càn quét vào các khu vực chúng tình nghi có lực lượng khởi nghĩa như Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang…”.
Bên trong khu rừng của già Năm Nổi
Chúng tôi theo chân anh Tới (Trạm trưởng Kiểm lâm cơ động, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa) tìm gặp ông Mười Biên, người dân tộc Chơ Ro, sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này (hiện là Bí thư Chi bộ ấp Lý Lịch 1). Thời trẻ ông Biên tham gia du kích xã như phần đông thanh niên trong làng. Bố ông Biên là đảng viên, lão thành cách mạng, từng làm chủ tịch xã trong kháng chiến chống Mỹ, mất khi được 84 tuổi.
Hỏi về già làng Năm Nổi, ông Biên cho biết: Danh xưng già làng của già Năm, cái chức danh này không ai bầu, có lẽ do kính trọng nên người dân trong ấp và cả xã đã gọi ông Năm như vậy. Tên thật của ông Năm là Nguyễn Văn Nổi, sinh năm 1930, cha là người Kinh làm công-tra cho Pháp, lấy vợ người dân tộc tại địa phương và sinh ra già Năm Nổi. Khi lớn lên, ông Nổi học theo cha, cũng lấy vợ là người dân tộc Chơ Ro, tham gia cách mạng, làm du kích xã trong thời kỳ chống Pháp và trở thành cán bộ chủ chốt của xã Lý Lịch trong kháng chiến chống Mỹ.
Hình ảnh làm cho người trong làng không thể quên được già Năm chính là khoảnh rừng tự nhiên do già bảo vệ, chăm sóc đến nay vẫn xanh tốt. Ông Biên kể tiếp: Sau ngày giải phóng năm 1975, bà con dân tộc từ Cát Tiên quay trở về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Hồi đó đất này còn thuộc huyện Định Quán, rừng còn bạt ngàn nhưng chỉ sau một thời gian, do nhu cầu lấy gỗ làm nhà, rồi bà con phát rừng làm vườn rẫy theo kiểu người có sức khỏe nhiều phát nhiều, yếu phát ít, nhất là các lâm trường khai thác xuất khẩu thì những cánh rừng tự nhiên đã nhanh chóng biến mất, chỉ trừ cánh rừng của già Năm. Khoảnh rừng chỉ có diện tích hơn 3.000m2, già Năm kiên quyết giữ lại. Nhờ có già Năm giữ lại, trồng thêm nên rừng tái sinh nhanh chóng và quan trọng là đã góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân không phá rừng nữa.
Ký ức về người cha
Rời nhà ông Biên, chúng tôi đến nhà người con trai thứ tư của già Năm có tên Nguyễn Văn Bộ, dân trong làng thường gọi là Tư Bộ. Ông Bộ cũng là đảng viên, có 23 năm làm nhân viên kiểm lâm, mới nghỉ năm 2017 do sức khỏe yếu. Ông Bộ hồi tưởng: “Trước đây sống ở rừng, giờ về định canh định cư nên ông già nhớ rừng mới quyết định giữ lại khoảng rừng hơn 3 sào quanh nhà và sau nhiều năm đến nay, rừng đã tái sinh xanh tốt”.
Ông Bộ dẫn chúng tôi, vào rừng và được tận mắt chứng kiến những cây gỗ bản địa như sao, dầu, vên vên, sấu tía cao vút thẳng đứng và chỉ cần đi vào khoảng 15-20m thì đã thấy được nhiều cây dây leo quấn quít bên những cây rừng chắn lối đi và người ta có cảm giác như đang lạc vào một khu rừng tự nhiên ở trong rừng sâu. Có đi vào khoảnh rừng này mới biết vì sao già Năm quyết giữ lại vì khu rừng gợi lên nhiều ký ức của một thời kháng chiến.
Chỉ vào một cây rừng da xù xì màu nâu nhạt, ông Bộ nói: “Đây là cây ký ninh, đắng giữ lắm. Hồi ở rừng nếu ai bị sốt rét thì lấy lá cây này nấu uống chứ hồi đó thiếu thốn, không có thuốc tây; nghe ông già kể lại là khi bị sốt rét thì vào rừng tìm cây này chặt một miếng trong thân cây, xay ra nấu nước uống sẽ hết”. Vốn là kiểm lâm nên ông Bộ cho biết đây là cây họ dây leo, có tên khoa học là Vằng đằng.
Chỉ sang cây dầu, ông nói tiếp: “Còn cây này đồng bào mổ cây lấy dầu thắp sáng thay đèn, cho trẻ học bài khi xã chưa có điện”. Ngay sát khoảnh rừng là cái nhà sàn cũ kỹ đã xuống cấp, vách tre thưa lỗ chỗ. Ông Bộ trần tình: “Hồi ông già còn sống, ổng không ở nhà kiên cố nhà nước xây cho ở đằng trước, mà chỉ thích ở nhà sàn này, chỉ rời nhà sàn sang ở nhà xây khi trời mưa gió”.
Tìm nhà mấy người con của già làng Năm Nổi không khó, do họ đều ở quanh ngôi nhà cũ của cha mình. Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tiến (em trai ông Bộ) nằm chênh chếch phía đối diện với nhà anh trai. Ông Tiến sinh năm 1961, khi làng chạy giặc, dời đi theo bộ đội được dạy cho biết đọc, biết viết, sau ngày giải phóng học đến lớp 6 thì ở nhà làm rẫy. Chính cha ông đã kêu ông đi làm nhân viên Lâm trường Vĩnh An, sau đó khi tỉnh lập Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa thì ông trở thành nhân viên quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Tiến kể chuyện mộc mạc: “Trước đây, đời sống khó khăn, người dân vào rừng lấy gỗ và khai thác lâm sản phụ nhiều, vận chuyển bằng xe bò, bắt nhiều lắm; có khi đụng độ lâm tặc, mình phải giơ súng AK bắn chỉ thiên và gọi anh em tăng cường lực lượng để bắt”.
Theo ông Tiến, nghề kiểm lâm cực lắm vì “ngày cũng không yên, đêm cũng không yên, có việc liên quan phá rừng, xâm phạm vào rừng là phải chạy”. Cũng chính vì thế, người cha luôn dõi theo, động viên để ông hoàn thành nhiệm vụ. Trong ký ức của ông vẫn lưu lại hình ảnh người cha luôn hỏi han sau mỗi ngày làm việc. “Ổng thích rừng lắm, mỗi lần mình đi rừng về, ổng đều hỏi có gặp con thú gì không và khi nói có gặp voi ra thì ổng mừng lắm!”, ông Tiến kể.
Ngoài truyền cho con tình yêu rừng thì già Năm còn truyền cho con tình yêu với Đảng. Được sự động viên của cha, ông Tiến đã phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng từ tháng 6-2000. Ông về hưu từ tháng 6-2017. Hai năm sau thì già làng Năm Nổi qua đời, nhưng di sản - rừng cây của già Năm vẫn còn mãi với người dân ấp Lý Lịch.
Mới đây, nhân dịp dẫn đầu đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về nguồn tại di tích Trung ương Cục miền Nam và được nghe giới thiệu về công tác quản lý - bảo vệ rừng ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, phát triển tài nguyên rừng và Người từng ví “Rừng là vàng, biển là bạc” để toàn dân ý thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên này. Trong hai cuộc chiến, rừng xanh giữ vai trò như tấm khiên “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” hứng bớt mưa bom bão đạn của kẻ thù. Ngày nay, rừng có giá trị vô cùng to lớn về môi trường, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững. Đồng thời, rừng ở chiến khu D thuộc Đồng Nai còn giữ vai trò lịch sử, truyền thống cách mạng với 3 di tích quốc gia được công nhận. Sớm nhận thức được vai trò đó, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền nhân dân Đồng Nai đã sớm có chủ trương cấm rừng để khoanh nuôi bảo vệ và kết quả mang lại rất tích cực, giữ cho cả khu vực Đông Nam bộ những cánh rừng nguyên sinh, là cơ sở để UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Công tác giữ rừng phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhất là đội ngũ cán bộ kiểm lâm là người tại chỗ, là các đảng viên nhiều năm gắn bó với rừng... |