Chuyến tham quan kỳ thú

Một trong những nỗi khổ tâm mà tôi chưa dám thổ lộ cùng ai từ hơn 5 năm qua là chuyện con gái tôi nói tiếng Anh lưu loát hơn tiếng Việt. Định mệnh thật trớ trêu: trong lúc tôi đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lại không có đủ thời gian giúp con gái học tiếng mẹ đẻ.

Một trong những nỗi khổ tâm mà tôi chưa dám thổ lộ cùng ai từ hơn 5 năm qua là chuyện con gái tôi nói tiếng Anh lưu loát hơn tiếng Việt. Định mệnh thật trớ trêu: trong lúc tôi đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lại không có đủ thời gian giúp con gái học tiếng mẹ đẻ.

Ở trường, con gái tôi phải học tiếng Anh và tiếng Hoa, khi về nhà phải học thêm để có thể vượt qua các kỳ thi gắt gao ở cấp tiểu học. Khả năng vợ chồng tôi có thể làm được trong tầm tay là nói tiếng Việt với con lúc ở nhà. Giờ đây, khi cháu lên lớp 5 chúng tôi nói gì cháu đều hiểu, chỉ có điều cháu thường trả lời bằng tiếng Anh còn tiếng Việt vẫn yếu.

Với các "chiến sĩ" ở địa đạo.

Với các "chiến sĩ" ở địa đạo.

Dù sao đi nữa, vợ chồng tôi cũng thấy hạnh phúc vì đã giáo dục cho con về cội nguồn của mình. Hồi cháu học lớp 1, tôi có dịp dẫn cháu xem một bộ phim tư liệu ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước ở Cục Ngân khố Singapore, gần văn phòng tôi làm việc.

Phim có lời thoại bằng tiếng Anh nên tôi không giải thích gì nhiều. Có dịp về Việt Nam, vợ chồng tôi thường dẫn con thưởng thức những món ăn thuần túy Việt Nam, tận hưởng không khí sôi động và nhộn nhịp của TPHCM, tắm biển Vũng Tàu, ngắm nhìn bờ biển cát trắng Nha Trang hay ngang dọc sông nước miền Tây…

Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến tham quan địa đạo Củ Chi của 2 cha con trong kỳ nghỉ giữa học kỳ vừa rồi.

Như mọi người đều biết, địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất cách TPHCM 70km về phía Tây Bắc, địa đạo được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép thành đồng". Lần đầu tiên tôi tham quan địa đạo cách đây 18 năm, khi làm cán bộ đối ngoại tháp tùng một đoàn lãnh đạo ngân hàng Hàn Quốc với quần áo com-lê, cà-vạt chỉnh tề. Nhưng lần này cùng với con gái mới là cuộc hành trình về nguồn đúng nghĩa.

Tranh thủ quá giang anh bạn thân có cơ sở kinh doanh ở Củ Chi, nhưng do một số trục trặc kỹ thuật, mãi đến gần trưa 2 cha con mới đến cổng khu di tích địa đạo Bến Đình. Con gái tôi ngoan ngoãn đi theo cha mua vé vào cửa nhưng cũng than sao trời nóng quá.

Tôi dẫn cháu ghé vào quầy hàng lưu niệm ngắm nghía rồi mua kem ăn để xoa dịu cái nóng. Nhưng chỉ ít phút sau, cảm giác mệt mỏi nhanh nhóng tan biến khi 2 cha con bước vào bên trong khu di tích đứng trước những hầm địa đạo nho nhỏ lợp mái tranh.

Là khách tự do nhưng tôi cũng tỉnh bơ dắt tay con đi theo một đoàn khách có hướng dẫn viên nói tiếng Anh vào phòng chiếu video và sau đó được nghe giới thiệu thông tin chi tiết về địa đạo. Khả năng trình bày bằng tiếng Anh của người hướng dẫn viên du lịch thật ấn tượng khiến không những cả đoàn du khách mà con gái 10 tuổi của tôi cũng chăm chú lắng nghe.

Tuy nhiên, sự có mặt của 2 vị khách châu Á trong đoàn du khách toàn người da trắng khiến đội ngũ hướng dẫn viên thuộc khu di tích “quan tâm”. Chẳng mấy chốc, 1 hướng dẫn viên nam trong bộ đồng phục xanh đội nón tai bèo đến chào 2 cha con và tự giới thiệu tên Mớm.

2 cha con dưới hầm địa đạo.

2 cha con dưới hầm địa đạo.

Mớm có vẻ thích thú khi được biết con gái tôi nói tiếng Anh rất trôi chảy. Kể cũng buồn cười, nếu như ở Việt Nam nhiều bậc cha mẹ tự hào khi con mình giỏi tiếng Anh thì tôi lại thấy buồn đôi chút vì phải làm phiên dịch viên bất đắc dĩ để con gái hiểu trọn vẹn những gì Mớm hướng dẫn.

Hai cha con chúng tôi được Mớm giải thích cụ thể về hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Điều làm con gái tôi thích thú nhất là hệ thống thông hơi của địa đạo được ngụy trang vào các bụi cây. Theo hướng dẫn của Mớm, chúng tôi chui xuống một đoạn đường hầm và phấn khởi chụp vài bô ảnh sau khi hoàn thành “kỳ công” này.

Những kỳ tích huyền thoại từ địa đạo có thể vượt quá sức tưởng tượng của con người. Mớm cho chúng tôi biết trong thời gian từ 1961-1965, dân quân Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là "xương sống", sau đó hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, xã và các vùng. Bên trên mặt đất là một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, trên địa đạo còn có nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông...

Mắt thấy, tai nghe, du khách đến với địa đạo Củ Chi có thể sống cùng với quá khứ oai hùng của một dân tộc ngoan cường không chịu khuất phục trước thực dân đế quốc. Nhưng với con gái tôi, có lẽ quá sớm để nói với cháu về những điều này. Tôi mua cho con 2 quyển sách ảnh tư liệu về khu di tích bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Pháp, 1 cái nón tai bèo và 1 chiếc máy bay trực thăng làm bằng vỏ lon coca.

Tôi giải thích với con thế nào là chiến tranh, kẻ thù là gì. Không rõ con gái 10 tuổi của tôi cảm nhận như thế nào về những điều nói trên, nhưng tôi tự nhủ rằng đó cũng là một kỷ niệm đẹp. Con gái tôi rồi sẽ trưởng thành, một ngày nào đó cháu sẽ trở lại khu tham quan này để cảm nhận một cách chín chắn hơn về những điều tôi đã chia sẻ từ thời niên thiếu qua chuyến về nguồn đặc biệt này với những bài học về giá trị gia đình và truyền thống dân tộc.

Không muốn làm phiền anh bạn thân đang bận bịu công việc ở công ty, tôi chủ động cùng con gái lên xe buýt công cộng từ khu di tích Bến Đình về bến xe Ngã tư An Sương, rồi từ đó chuyển sang một xe khác về trung tâm TPHCM. Giá vé đi xe buýt chỉ có vài ngàn đồng nhưng vấn đề không hẳn là chuyện tiết kiệm chi phí đi lại. Tôi không muốn con gái tôi về Việt Nam tham quan trong tư thế của một du khách mà phải có cái cảm nhận của người trong cuộc.

Đây là một trong những chuyến tham quan vất vả nhất của 2 cha con từ trước đến nay. Nhưng những trải nghiệm từ đất thép thành đồng và cuộc hành trình trên xe buýt công cộng giữa cái ồn ào, bụi bặm và những hình ảnh thực tế, chân thật và sống động sẽ là hành trang quý giá cho con tôi trở thành một công dân Việt Nam biết sống hữu ích vì cộng đồng, xã hội và đóng góp vào sự nghiệp phát triển của quê hương đất nước.

Singapore, ngày 22-4-2012

Các tin khác