Quê gốc Sóc Sơn, Hà Nội nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được sinh ra và lớn lên tại Vinh, vì hai cụ thân sinh chuyển vào công tác ở Nhà máy xe lửa Trường Thi. Chính vì vậy dân ca Nghệ - Tĩnh thấm đẫm tâm hồn Nguyễn Văn Tý và trôi chảy mượt mà trong từng ca khúc của ông.
Trước khi trở thành nhạc sĩ, Nguyễn Văn Tý tham gia văn nghệ với tư cách kịch sĩ kiêm ca sĩ. Cuộc hôn nhân đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ kéo dài hơn một năm. Người phụ nữ bán muối ở bến cảng Hộ Độ có tên Mai Thị Cúc đám cưới với chàng trai hào hoa Nguyễn Văn Tý đầu năm 1946. Khi đứa con gái đầu lòng Nguyễn Thị Như Mỹ vừa tròn 3 tháng tuổi, bà Cúc qua đời vì bệnh tim.
Trước khi trở thành nhạc sĩ, Nguyễn Văn Tý tham gia văn nghệ với tư cách kịch sĩ kiêm ca sĩ. Cuộc hôn nhân đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ kéo dài hơn một năm. Người phụ nữ bán muối ở bến cảng Hộ Độ có tên Mai Thị Cúc đám cưới với chàng trai hào hoa Nguyễn Văn Tý đầu năm 1946. Khi đứa con gái đầu lòng Nguyễn Thị Như Mỹ vừa tròn 3 tháng tuổi, bà Cúc qua đời vì bệnh tim.
Ân nghĩa phu thê ngắn ngủi ấy, nửa thế kỷ sau được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hoài niệm trong ca khúc “Thăm biển Cửa Lò”.
Cuộc hôn nhân thứ hai của nhạc sĩ lâu bền hơn và lưu lại nhiều dấu vết trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Người phụ nữ ấy là Bạch Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Đóng góp thứ nhất của bà Bạch Lê vào sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là ca khúc “Vượt trùng dương”. Khi hai người chở nhau bằng xe đạp đi công tác, ý tưởng “Đây con thuyền vượt trùng dương…” thoáng hiện trong lòng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Cứ một đoạn đường lại thêm một câu hát, xe đạp lại dựng bên vệ cỏ để chàng hí hoáy chép nhạc và nàng bồi hồi hát theo “xa xa tiếng cười bao người chờ đón mời, vui trong nắng vàng ai về rộn xóm làng…”.
Khai thác chất liệu dân ca nhuần nhuyễn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có khả năng chạm vào mọi đề tài của cuộc sống, từ chăn nuôi đến thủy lợi, từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ giáo dục đến ngân hàng, từ miền núi Tây Bắc đến đồng bằng Nam bộ, có thể liệt kê ra những ca khúc như “Mùa hoa nở”, “Pha màu luống cày”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Cô nuôi dạy trẻ”, “Em đi làm tín dụng”, “Tiếng hát bản Mèo”, “Dáng đứng Bến Tre”… Phía sau mỗi bài hát của nhạc sĩ đều có một câu chuyện. Tuy nhiên, điều nhiều người tò mò nhất lại tập trung vào ca khúc “Dư âm” lừng lẫy.
Ca khúc “Dư âm” được viết không phải bằng kỹ thuật, mà bằng những sợi tơ mỏng manh ngân nga từ cõi hồn Nguyễn Văn Tý. Vậy bóng hồng hiển lộ trong ca khúc “Dư âm” là ai? Đó là cô gái 16 tuổi ở một làng ven biển Quỳnh Lưu, theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tự thú “chưa một lời tỏ tình, mới nhìn nhau qua đôi mắt.
Thế nhưng, đôi mắt của cô lại là đôi mắt biết nói, đã nói với tôi những điều sâu kín nhất, làm tôi bàng hoàng rung động”. Nỗi tương tư âm thầm ấy đã theo nhạc sĩ vào chiến khu: “Một đêm, đúng vào lúc vừa buông màn nằm xuống, trong tôi bỗng trỗi dậy cái gì tràn đầy thương nhớ, về mối tình son trẻ của tôi vừa tan vỡ. Ban đầu hình như chỉ có hình ảnh và ý nghĩ chập chờn trong nỗi nhớ. Nhưng sau đó, sao nghe như có những âm vang, rồi có cả tiếng hát. Một câu hát rất lạ, trong đời tôi chưa hề quen biết: Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn… Tôi vùng dậy, lần mò xuống bếp, đốt ngọn đèn dầu, để viết ca khúc “Dư âm” trên một cái nong.
Sau khi công diễn lần đầu, ca khúc “Dư âm” đã bay xa, đưa tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lên đẳng cấp khác và cũng mang cho ông không ít phiền phức vì những mơ mộng không đúng thời điểm. Người con gái được thi vị hóa “em như lầu vắng, anh như ánh trăng” không hề biết mình đã bước vào một trong những bản tình ca kinh điển của nền tân nhạc Việt Nam.
Vì năm 1957 nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã gặp lại nhân vật nữ của “Dư âm” trong hoàn cảnh hết sức trớ trêu: “Một chiều, đang trên đường đi nghiên cứu dân ca, khi vừa đến quả đồi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, mây đen phủ đầy trời, rồi cơn giông ập tới. Tôi chạy vào cổng gác một doanh trại bộ đội, xuất trình giấy tờ xin ở lại một đêm. Vừa đi vào tới sân, tôi gặp người xưa khiến tôi đã làm nên bài “Dư âm”. Cô chững chạc trong bộ quân phục, ngờ ngợ nhìn tôi. Còn tôi thì nhận ra cô ngay, nên hấp tấp chạy ngược ra cổng gác, xin lại giấy tờ rồi đi thẳng. Tôi sợ người ta biết đó là người đẹp trong “Dư âm”, sẽ nghĩ vì thế mà xin ở lại một đêm… Không ngờ cô ấy lại hiểu tôi không muốn nhìn mặt cô ấy nữa… Dẫu sao tôi vẫn yêu, nhưng tình yêu trong tôi chỉ tôi biết”.
Giá trị nghệ thuật của “Dư âm” lấp lánh, còn câu chuyện của “Dư âm” lại bẽ bàng. Năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở tuổi 64 tiếp tục có một mối tình, mà ông gọi là “Dư âm 2”. Đó là một nữ tiến sĩ có đôi mắt long lanh “lúc thì như ánh sao trời, lúc thì như giọt sương rơi” khiến ông “lại bàng hoàng nhớ về đôi mắt", cũng như thế, ngày xưa đã để lại một “Dư âm”. “Thế là tôi làm bài hát “Một ánh sao trời”. Làm xong, tôi trân trọng đề tặng cô. Ban đầu cô tiếp nhận, nhưng sau hình như cô hiểu ra điều gì, bèn trả lại cho tôi tất cả kỷ niệm đã trao, từ cuốn sách “Nhạc và đời” đến tấm hình lưu niệm, rồi xa lánh tôi.
Hóa ra do đoạn cuối bài hát “Một ánh sao trời” viết “để Dư âm vang mãi trong tiếng em cười, để ta thương nhớ một đời riêng tôi”, đã làm cho nữ tiến sĩ tự ái vì mình chỉ giống như phiên bản của người đẹp dạo nào “hẹn em từ muôn kiếp trước, nhớ em mấy thuở bạc đầu”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cứ trách bản thân ngây dại xung quanh “Một ánh sao trời”, nhưng biết làm sao được, khi những hư thực của ca khúc “Dư âm” vẫn ám ảnh khôn nguôi “anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn, em để cung đàn đưa anh về đâu…”.