Đà phục hồi của thị trường không thể kéo dài quá một phiên khi dòng tiền chưa trở lại với thị trường. Tuy nhiên, dường như không để nhà đầu tư hoảng hốt, một số trụ đỡ lớn được sử dụng để hãm đà rơi của thị trường, giúp nhà đầu tư nuôi hy vọng về đợt phục hồi ngắn hạn.
Với nhiều nỗ lực, cả 2 chỉ số đã được giữ trên mốc tham chiếu trong phiên sáng nay và sắc xanh được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được duy trì sang phiên thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua yếu ớt đã nhanh chịu khuất phục bởi lực bán dần gia tăng. Sắc xanh ít dần và được thay thế bằng sắc đỏ với số mã giảm giá nhiều gần gấp đôi số mã tăng giá.
HNX-Index thậm chí mất tới hơn 1%, trong khi nhờ “bộ 3 quyền lực” GAS, MSN và VIC, VN-Index được hãm đã rơi để níu giữ chút kỳ vọng vừa được thắp lên của nhà đầu tư trong phiên giao dịch hôm qua.
Kết thúc phiên 23/4, VN-Index giảm 0,51 điểm (-0,09%), xuống 569,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,2 triệu đơn vị, giá trị 1.200,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận 8 triệu đơn vị, giá trị 154,5 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1,1 điểm (-0,17%), xuống 629,78 điểm.
HNX-Index giảm 0,96 điểm (-1,19%), xuống 79,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,44 triệu đơn vị, giá trị 538,4 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận 1,2 triệu đơn vị, giá trị 16 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 3,1 điểm (-1,89%), xuống 160,94 điểm.
Thanh khoản cả 2 sàn tiếp tục giảm so với phiên trước đó và là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ ngày 27/1 của HOSE. Trên HNX, khối lượng giao dịch của phiên này chỉ nhỉnh hơn phiên 17/4, nhưng về giá trị thì đây là mức thấp nhất kể từ ngày 10/2.
Trong các cổ phiếu lớn, sắc xanh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, ngoài bộ 3 GAS, MSN, VIC, chỉ còn STB duy trì mức tăng của phiên sáng khi đóng cửa ở mức 20.200 đồng, tăng 700 đồng (+3,59%). Tương tự, nhờ lực cầu ngoại tốt, MSN, VIC vẫn giữ được mức giá 95.000 đồng và 67.000 đồng của phiên sáng, GAS cũng có mức tăng 1 bước giá như phiên sáng. Trong khi đó, VCB đã phải xuống mức tham chiếu khi đóng cửa phiên hôm nay với hơn 1,22 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau khi được kéo lên cuối phiên sáng đã chịu áp lực bán ra trong phiên chiều, nên quay đầu giảm mạnh. Trên HOSE, HCM mất 900 đồng (-2,62%), SSI giảm 700 đồng (-2,54%), AGR và BSI thậm chí giảm xuống tận mức giá sàn 7.800 đồng và 6.600 đồng.
Trên HNX, KLS, SHS, BVS, APS, VIG, ORS cũng đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày, VND dù không xuống mức thấp nhất ngày, nhưng cũng giảm 300 đồng (-1,83%), xuống 16.100 đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chịu kịch bản kéo xả, nhưng không mạnh như các cổ phiếu chứng khoán. DLG không còn duy trì được sắc tím, trong khi CIG vẫn giậm chân ở mức sàn.
Ngoài 4 mã lớn tăng giá trên, CMG là đáng chú ý khi giữ được mức tăng trần rất tốt từ đầu phiên khi bên nắm giữ cổ phiếu không bán ra.
Trên HNX, PVX dù chịu áp lực bán rất lớn trong phiên chiều, nhưng vẫn duy trì đà tăng trần vì dòng tiền chảy vào vẫn rất lớn. Ngay khi lượng dư mua trần từ cuối phiên sáng được hấp thụ hết, ngay lập tức có lệnh mua chặn được đưa vào, giúp PVX còn dư mua giá trần 131.000 đơn vị khi đóng cửa với tổng khớp 12,7 triệu đơn vị. Ngoài PVX, các mã dẫn dắt khác SHB, SCR, VCG đều quay đầu giảm nhẹ.
ITQ cũng là mã đáng chú ý trên HNX khi có lực mua tốt với dư mua trần hơn 364.000 đơn vị và được khớp 634.900 đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu thế mua ròng với lượng mua ròng đạt 3,3 4 triệu đơn vị, giá trị 78,2 tỷ đồng trên HOSE và hơn 418.000 đơn vị, giá trị 10 tỷ đồng trên HNX.