CK 27-11: VN-Index mất mốc 377 điểm

Diễn biến trên 2 sàn chứng khoán trong phiên giao dịch sáng nay diễn ra gây cảm giác chán nản cho nhà đầu tư.

Diễn biến trên 2 sàn chứng khoán trong phiên giao dịch sáng nay diễn ra gây cảm giác chán nản cho nhà đầu tư.


Giống như nhiều phiên giao dịch vừa qua, lình xình đi ngang với thanh khoản thấp là diễn biến chính của thị trường chứng khoán Việt Nam khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay.

Gần như giao dịch chỉ diễn ra ở các mã bluechip, trong khi đại đa số các mã còn lại không có nổi 1 lệnh khớp.

Trong nhóm bluechip, gần như số mã tăng và giảm giá là ngang nhau, nhưng cũng chỉ trên đầu ngón tay, trong khi đa số các mã còn lại đều giậm chân tại mốc tham chiếu. Do đó, diễn biến của Index cũng thay đổi liên tục, nhưng trong biên độ hẹp theo diễn biến giao dịch của một số ít mã bluechip này.

Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, VN-Index giảm 0,13 điểm (-0,03%), xuống 377,77 điểm.

Khi bước vào phiên giao dịch khớp lệnh liên tục, VN-Index đảo chiều liên tục theo tương quan “đối đầu” của một số bluechip.

Trong khoảng 10 phút, từ 9h17 đến 9h27, VN-Index tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của VNM, VCB, HPG, GMD, MBB, NTL. Tuy nhiên, sau đó, chỉ số này đã quay đầu giảm trở lại khi các mã này yếu dần, trong khi các cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như VIC, GAS, STB giảm giá.

Đến 9h50, VN-Index giảm 0,23 điểm (-0,06%), xuống 377,67 điểm.

Trên sàn HNX, không khí giao dịch cũng không có gì sáng sủa hơn HOSE. Mở cửa phiên giao dịch, chỉ một số ít được khớp lệnh, chỉ số giảm nhẹ. Sau khi VN-Index tăng điểm, HNX-Index cũng có chuyển biến tích cực theo. Tuy nhiên, khác với VN-Index, chỉ số trên sàn HNX duy trì được sắc xanh khá tốt nhờ sự hỗ trợ của các mã ngân hàng, trong khi đại đa số đang đứng ở mức tham chiếu.

Đến 9h54, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,12%), lên 51,02 điểm.

Những phút giao dịch còn lại của phiên sáng, VN-Index có thêm 1 lần đảo chiều tăng điểm và duy trì trong khoảng 1 tiếng trước khi quay đầu giảm điểm trở lại. Sắc đỏ trên sàn HOSE được duy trì cho đến khi dừng phiên giao dịch. Trong khi đó, trên sàn HNX, diễn biến có phần tích cực hơn khi màu xanh là sắc màu chủ đạo của phiên giao dịch sáng. Tuy có đôi lúc bị rung lắc, nhưng chỉ số HNX-Index vẫn giữ được đà tăng nhẹ khi đóng cửa phiên sáng. Tuy nhiên, thanh khoản của cả 2 sàn tiếp tục sụt giảm và đứng ở mức rất thấp.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,82 điểm (-0,22%), xuống 377,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,2 triệu đơn vị, tương đương giá trị 119 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 0,86 triệu đơn vị, trị giá 22 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 có 9 mã tăng, 8 mã giảm và 13 mã đứng giá. Kết thúc phiên, VN30-Index tạm dừng ở mức 443,81 điểm, giảm 1,36 điểm (-0,31%).

Thanh khoản thị trường bị tắc mạnh khi không có mã nào có khối lượng khớp lệnh đến 500.000 đơn vị. Trong đó, BGM được khớp nhiều nhất cũng chỉ là 487.780 cổ phiếu. MBB tiếp theo với 381.350 cổ phiếu, trong đó khối ngoại đã mua 200.720 cổ phiếu. MBB cũng là mã được nhà đầu tư nước ngoài mua vào nhiều nhất trong phiên sáng nay.

Ngoài MBB, khối ngoại cũng mua vào mạnh các mã như KDC 166.700 cổ phiếu (mua thỏa thuận ở mức giá trần), HPG 87.000 cổ phiếu, VSH 55.000 cổ phiếu, GMD 52.000 cổ phiếu.

Trên HNX, HNX-Index tạm dừng phiên sáng tại mức 50,99 điểm, tăng 0,03 điểm (+0,06%). Tổng khối lượng giao dịch 10,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 62,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 2,66 triệu đơn vị, trị giá 17 tỷ đồng

Phần lớn trong 395 mã niêm yết trên sàn HNX là không có giao dịch trong phiên sáng, với 196 mã. Trong số 199 mã có giao dịch, có 62 mã tăng, 75 mã giảm và 62 mã đứng giá.

Trong nhóm HNX30, có 3 mã tăng với mức tăng tối thiểu là LAS, OCH và PVX, 8 mã giảm, còn lại 18 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch là PVV. Kết thúc phiên sáng, HNX30-Index giảm 0,09 điểm (-0,09%), xuống 92,08 điểm.

Có 2 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu cổ phiếu là SHB với gần 1,7 triệu cổ phiếu và SCR với gần 1,1 triệu cổ phiếu

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh bán ra SHB với 381.500 cổ phiếu. Ngoài SHB, phiên này họ cũng bán mạnh NBC với 105.000 cổ phiếu, PVX với 68.200 cổ phiếu, VCS với 39.000 cổ phiếu. Trong khi đó, họ lại mua vào mạnh LAS với 52.700 cổ phiếu.

* Trong khi VN-Index tiếp tục giảm điểm và lùi xuống dưới mức 377 điểm, thì HNX-Index giậm chân tại chỗ với gần 150 mã không có giao dịch.

Đà giảm của VN-Index được nới rộng ra thêm khi bước vào phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, đà giảm của VN-Index được hãm bớt về cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của VNM và một vài bluechip khác.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27-11, VN-Index giảm 1,01 điểm (-0,27%), xuống 376,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,73 triệu đơn vị, tương đương giá trị 300,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận góp 4,6 triệu đơn vị, trị giá 137 tỷ đồng. Trong đó, riêng KDC có gần 2,5 triệu đơn vị được thỏa thuận ở mức giá trần 42.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 104,3 tỷ đồng.

Ngoài việc KDC được thỏa thuận khối lượng lớn giá cao, phiên giao dịch trên sàn HOSE không có gì đáng chú ý.

Thông tin CPI tháng 11 tăng thấp hơn nhiều so với tháng trước không những làm cho nhà đầu tư hứng khởi hơn, mà ngược lại. Bởi CPI thấp xuất phát từ sự cắt giảm chi tiêu, báo hiệu sự suy giảm của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, những thông tin hỗ trợ cho thị trường từ nay đến cuối năm gần như không có khiến nhà đầu tư càng thêm thận trọng, đa số đều chọn cách đứng ngoài thị trường, chỉ một số ít cơ cấu lại danh mục và giao dịch lượng cổ phiếu đang có trong tài khoản, chủ yếu là các bluechip và những cố phiếu có thanh khoản cao trong thời gian gần đây. Đó chính là lý do khiến thị trường thời gian qua chỉ lình xình đi ngang với thanh khoản thấp.

Trong phiên giao dịch hôm nay, ngoại trừ KDC được thỏa thuận hơn 2 triệu cổ phiếu, trong phiên giao dịch khớp lệnh, không có mã nào được khớp đến 0,7 triệu đơn vị. Trong đó, BGM, KSA và MBB được khớp nhiều nhất với khối lượng lần lượt đạt 0,68 triệu đơn vị, 0,6 triệu đơn vị và 0,59 triệu đơn vị.

Trong nhóm bluechip, ngoài HPG tăng khá nhờ thông tin Dự án Mandarin Garden có tốc độ bán hàng tốt, thị trường còn được hỗ trợ bởi VNM, GMD, MBB, DIG, IJC. Tuy nhiên, mức hỗ trợ của các cổ phiếu này là không lớn. Trong khi đó, với thông tin 2 cổ đông lớn, đồng thời là cổ đông có liên quan đến cổ đông nội bộ bán ra lượng lớn cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh thanh khoản kém như hiện nay, VIC đã giảm mạnh 2.000 đồng (-2,65%), xuống 73.500 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm VN30 có 7 mã tăng, 12 mã giảm và 11 mã đứng giá. Kết thúc phiên, VN30-Index giảm 1,49 điểm (-0,33%), xuống 443,68 điểm.

Trên sàn Hà Nội, dù giảm ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều và duy trì sắc đỏ gần như toàn bộ phiên chiều, nhưng nhờ sự phục hồi của một số mã trong nhóm HNX30 và việc NVB neo ở mức giá trần, chỉ số HNX-Index đã kịp chạm mốc tham chiếu khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/11. Thanh khoản của sàn Hà Nội đứng ở mức rất thấp, với 16 triệu cổ phiếu, tương đượng giá trị 95 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đã đóng góp gần 4 triệu đơn vị, trị giá 26 tỷ đồng.

Riêng 2 mã SHB và SCR đã đóng góp tới hơn 6 triệu đơn vị, trong đó SHB được khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị và được thỏa thuận hơn 0,11 triệu đơn vị. SCR ngoài được khớp hơn 1,55 triệu đơn vị, còn được thỏa thuận 1,49 triệu đơn vị

Trong nhóm HNX30 ghi nhận sự phục hồi của ICG, IDJ, OCH, PVC, PVG, PVI, PVV. Trong đó, riêng PVV được khớp đúng 1 lệnh ở mức giá trần trong phiên chiều. Ngoài 7 mã tăng trên, nhóm HNX30 còn có 10 mã giảm và 13 mã đứng giá khi đóng cửa phiên. Kết thúc ngày giao dịch, HNX30-Index giảm 0,24 điểm (-0,26%), xuống 91,93 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 30 mã với tổng khối lượng 176.800 đơn vị, đồng thời bán ra 20 mã với tổng khối lượng 877.200 đơn vị. Trong đó, riêng họ bán ra SHB đã là 510.400 đơn vị. Trên HOSE, họ mua vào 56 mã, với tổng khối lượng 1.315.740 đơn vị.

Các tin khác