CK 5-11: Lệch pha

Tâm lý nhà đầu tư đã trấn tĩnh trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau phiên bán tháo cuối tuần trước do ảnh hưởng của “sự kiện” Sacombank.

Tâm lý nhà đầu tư đã trấn tĩnh trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau phiên bán tháo cuối tuần trước do ảnh hưởng của “sự kiện” Sacombank.

Lực bán tháo không còn giúp thị trường thị giảm nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,87 điểm (-0,76%), xuống 372,39 điểm.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lực mua mạnh lên, trong khi lực cung có dấu hiệu cạn kiệt giúp thị trường đảo chiều và màu xanh đã xuất hiện trên bảng điện tử.

Cổ phiếu STB đang dần lấy lại mốc tham chiếu, trong khi SBT vẫn bị bán mạnh và hiện vẫn dư bán sàn với khối lượng lớn.

Đến 9h31, VN-Index tăng 2,97 điểm (+0,79%), lên 378,23 điểm. Nhóm cổ phiếu bluechip phục hồi đã hỗ trợ tốt cho VN-Index đảo chiều tăng điểm.

Tương tự, HNX-Index cũng giảm điểm ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, nhưng mức giảm cũng thấp hơn nhiều so với phiên cuối tuần trước.

Đến 9h32, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,37%), xuống 50,87 điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã hồi phục trở lại, giúp HNX-Index hãm bớt đà giảm. Trong khi đó, SCR vẫn bị bán mạnh với lượng dư bán sàn lớn, tuy nhiên, đang có một lực mua lớn, hấp thụ hết lượng dư bán sàn.

Những phút còn lại của phiên giao dịch sáng, thị trường dao động lình xình với thanh khoản thấp do bên bán tiết cung, trong khi bên mua cũng chưa dám mạnh dạn hơn.

Nhóm bluechip giúp VN-Index duy trì sắc xanh, trong khi HNX-Index cũng đã tiến gần tới mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,74 điểm (+0,46%), lên 377 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,2 triệu đơn vị, tương đương giá trị 218,67 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,3 triệu đơn vị, trị giá 32,68 tỷ đồng.

VN30-Index tăng mạnh hơn nhờ sự giúp sắc của 16 mã tăng, gấp đôi số mã giảm (8 mã). Kết thúc phiên sáng, VN30-Index tăng 2,7 điểm (+0,61%), lên 444,6 điểm.

Đà tăng của VN-Index được hỗ trợ bởi các mã có vốn hóa lớn như GAS, VNM, VIC, MSN. Trong khi đó, STB sau khi lấy lại được mức tham chiếu cũng quay đầu giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu, đứng phiên sáng ở 18.600 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SBT không thoát nổi giá sàn khi lệnh mua quá ít. Chốt phiên, mã này còn dư bán sàn hơn 0,7 triệu cổ phiếu.

Sau mấy phiên tăng trần, DLG bị bán mạnh, đẩy mã này giảm sàn, xuống 3.400 đồng/cổ phiếu, tổng khớp gần 1,5 triệu đơn vị, lớn nhất sàn HOSE.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào khá ít trong phiên sáng, khi họ mua vào 47 mã, tổng khối lượng 627.620 đơn vị.

Trên sàn HNX, dù đã có sự hỗ trợ của lực cầu khá lớn, giúp thoát khỏi mức giá sàn lúc giữ phiên, nhưng bên bán quyết thoát hàng trước những tin tức tiêu cực xung quanh vị Chủ tịch và người nhà khiến SCR quay lại mức giá sàn, với dư bán còn gần 1,7 triệu cổ phiếu. Tổng khối lượng khớp của SCR hơn 4,5 triệu cổ phiếu, lớn nhất sàn HNX.

Việc SCR và một số cổ phiếu dầu khí trong rổ HNX30 giảm sàn khiến HNX-Index giảm điểm, tuy nhiên, nhờ lực đỡ từ ACB và một vài bluechip khác giúp HNX-Index hãm bớt đà giảm và tiến gần về mức tham chiếu.

Kết thúc phiên sáng, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,16%), xuống 50,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14 triệu đơn vị, tương đương giá trị 75 tỷ đồng.

Ngoài SCR, SHB cũng được khớp lệnh lớn trong phiên sáng nay với gần 2 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, dừng phiên sáng tại mức tham chiếu 4.900 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 23 mã, tổng khối lượng 190.600 đơn vị và bán ra 9 mã, tổng khối lượng 17.139 đơn vị.

* Hai sàn tiếp tục duy trì sự lệch pha trong phiên giao dịch chiều 5/11 khi VN-Index lình xình trên mốc 377 điểm, còn HNX-Index không một lần chớm xanh.

Sau sự kiện “bầu Kiên”, những thông tin liên quan đến các “đại gia” thường chỉ có tác động đến thị trường chứng khoán một vài phiên. Trước đó, sự xuất hiện bất ngờ của ông Đặng Thành Tâm tại kỳ họp quốc hội thứ 4, Quốc hội khóa XIII ngày 29-10 sau thời gian dài vắng mặt vì chữa bệnh ở nước ngoài đã giúp ITA, KBC tăng trần với lượng dư mua lớn.

Tuy nhiên, 2 mã này cũng nguội dần chỉ sau phiên giao dịch sau đó. Cuối tuần qua, thông tin ông Đặng Văn Thành từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Sacombank và được cơ quan điều tra mời làm việc (cùng con trai Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Sacombank, Chủ tịch HĐQT Sacomreal) đã khiến thị trường chao đảo.

Đà bán tháo xảy ra đồng loạt trên thị trường chứng khoán, chứ không chỉ ảnh hưởng đến cổ phiếu STB và các cổ phiếu liên quan đến gia đình ông Thành như SCR, SBT.

Tuy nhiên, cũng như thông tin ông Tâm xuất hiện ảnh hưởng đến cổ phiếu KBC và ITA trước đó, thông tin tiêu cực trên cũng nhanh chóng hết tác dụng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi nhà đầu tư trấn tĩnh hơn.

Ngoại trừ SBT và SCR tiếp tục duy trì đà giảm sàn, STB đã trở lại mốc tham chiếu khi thông tin Ngân hàng này có mức thanh khoản tốt, cùng cam kết hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, người dân dường như cũng tỉnh táo hơn trong các vụ việc liên quan đến các lãnh đạo ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán, ngoài 3 mã trên, đà bán tháo vô lý ở hàng loạt mã khác trong phiên cuối tuần cũng không còn diễn ra, thay vào đó, lực cung giá thấp đã được tiết mạnh, thay vào đó, nhà đầu tư chỉ bán nhỏ giọt ở giá cao, trong khi bên mua vẫn giữ thái độ thận trọng quen thuộc trong nhiều phiên giao dịch gần đây.

Sự trấn tĩnh lại của nhà đầu tư giúp VN-Index tăng nhẹ, trong khi HNX-Index cũng chỉ giảm mức khiêm tốn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5-11, VN-Index tăng 2,01 điểm (+0,54%), lên 377,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,99 triệu đơn vị, tương đương giá trị 371,46 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,6 triệu đơn vị, trị giá 72,58 tỷ đồng.

Với 14 mã tăng, 12 mã giảm và 4 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 4,61 điểm (+1,04%), lên 446,51 điểm.

ITA bị bán mạnh cuối phiên khiến mã này giảm xuống giá sàn khi đóng cửa phiên. Tổng khối lượng cả phiên đạt 2,25 triệu đơn vị, đứng ở mức 3.800 đông/cổ phiếu. Tiếp sau ITA là DLG, STB và MBB với 1,79 triệu đơn vị, 1,68 triệu đơn vị và 1,43 triệu đơn vị.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 58 mã với tổng khối lượng 1.287.730 đơn vị.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,61%), xuống 50,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị 121 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 0,31 triệu đơn vị, trị giá 2,3 tỷ đồng.

Với 4 mã tăng, 15 mã giảm, 11 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index giảm 0,64 điểm (-0,69%), xuống 91,41 điểm.

Trong nhóm HNX30, ngoài SCR, còn có các mã PVE, PVL, DCS giảm sàn. Trong đó, SCR có khối lượng khớp lớn nhất sàn với 4,45 triệu đơn vị, còn dư bán sàn hơn 1,7 triệu đơn vị.

SHB đứng thứ 2 ở tính thanh khoản với hơn 3 triệu đơn vị được khớp, đứng ở mức tham chiếu 4.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu ACB đứng ở mức cao nhất trong phiên 14.600 đồng/cổ phiếu, tăng 200 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 26 mã với tổng khối lượng 332.100 đơn vị và bán ra 13 mã, với tổng khối lượng 118.139 đơn vị.

Các tin khác