(ĐTTC) - Hy Lạp đột ngột trình làng ý tưởng trưng cầu dân ý về thỏa thuận cứu trợ của Liên minh châu Âu đã khơi lại mối lo ngại về khủng hoảng nợ công.
Giữa những dấu hiệu cho thấy sự xáo trộn ở châu Âu không chỉ tác động lên tâm lý mà còn “đánh” vào tăng trưởng thực, nhà đầu tư chuyển hướng tập trung sang chính sách các ngân hàng trung ương với hy vọng các biện pháp được đưa ra sẽ giúp giảm nhẹ cơn chấn động trên thị trường.
Cuộc họp chính sách ngày 1 và 2-11 của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ, tiếp đó là hội nghị thượng đỉnh G20 là những sự kiện được chờ đợi.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2-11, trên TTCK Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 2,2% xuống 8.640,42 điểm, mức thấp nhất trong 3 tuần. Chỉ số Topix cũng giảm 2,1% còn 738,58 điểm.
Nomura Holdings công bố quý đầu tiên lỗ trong vòng 2 năm rưỡi qua và tăng gấp 3 lần mục tiêu cắt giảm chi phí lên 1,2 tỷ USD nhằm chống chọi với tình hình thị trường được cho là khó khăn chẳng kém gì thời khủng hoảng tài chính 2008. Cổ phiếu Nomura sụt 4,1%.
Cổ phiếu Sony cũng giảm 3,6% do viễn cảnh lợi nhuận hoạt động cả năm yếu đi vì trận lũ lụt Thái Lan làm giám đoạn sản xuất camera.
Ở Seoul, TTCK cũng bị tác động xấu bởi tin tức Hy Lạp. Nhưng nhờ các hãng xe hơi và các công ty liên quan tới năng lượng hạt nhân được giá đã giúp chỉ số KOSPI không rớt nhiều. Kết ngày, KOSPI ở mức 1.898,01 điểm, giảm 0,6%.
Đáng chú ý, do kỳ vọng đơn đặt hàng khả quan nên cổ phiếu công ty thiết kế nhà máy năng lượng hạt nhân KEPCO Engineering & Construction tăng vọt 15%, công ty vận hành và bảo trì cơ sở hạt nhân KEPCO Plant Service & Engineering tăng 7,9%.
Tại Trung Quốc, TTCK giảm vào phiên sáng nhưng sau khi Thứ trưởng tài chính khẳng định nền kinh tế đang đi đúng hướng và các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ linh động để đối phó với bất kỳ trở ngại nào, TTCK đảo chiều, đi lên. Chỉ số Shanghai Index đóng cửa ở 2.504,1 điểm, tăng 1,38%. Chỉ số Hang Seng tăng 1,9% đạt 19.733,71 điểm.