(ĐTTC) - Kết thúc phiên giao dịch rạng sáng ngày 1-10 (giờ Việt Nam), CK Hoa Kỳ có thêm một phiên rớt điểm, khiến chỉ số Standard & Poor’s 500 có một quý giao dịch giảm điểm nhiều nhất kể từ năm 2008, sau khi những báo cáo từ Trung Quốc và Đức làm gia tăng quan ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Tất cả 10 nhóm trong chỉ số S&P 500 đều rớt giá, dẫn đầu là các công ty có liên đới mật thiết với tăng trưởng kinh tế. CP Alcoa Inc. rớt 4,9%, CP General Electric Co. (GE) mất 4%. CP Micron Technology Inc. (MU) lao dốc 14%, là CP rớt giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 sau khi báo cáo một khoản lỗ bất ngờ do nhu cầu về máy vi tính cá nhân sụt giảm. CP Ingersoll-Rand Plc (IR) giảm tới 12% sau khi hạ dự báo lợi nhuận.
Chỉ số S&P 500 mất 2,5% xuống 1.131,42 điểm, thổi bay hoàn toàn những thành quả đạt được trước đó trong tuần. Chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 240,6 điểm (2,2%), còn 10.913,38 điểm, nhưng tăng 1,3% so với tuần trước.
“Những nỗi lo dồn lại kéo thị trường đi xuống”, theo John Carey, Giám đốc tiền tệ của Pioneer Investments – công ty đang trông coi 250 tỷ USD. “Những tin tức kinh tế tiếp tục hỗn độn và vẫn còn những nỗi lo về tình hình nợ ở châu Âu cũng như những quan ngại về sự trì trệ của kinh tế toàn cầu”.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% hôm 30-9 khi số người xin trở cấp thất nghiệp thấp hơn dự báo. Chỉ số này đã giảm liên tiếp 5 tháng, là đợt giảm giá theo tháng kéo dài nhất kể từ tháng 3-2008. Trong quý III, chỉ số S&P 500 mất 14%, là mức giảm theo quý lớn nhất kể từ tháng 12-2008. Tính từ đầu năm, chỉ số này mất 10%.
Suy thoái toàn cầu
Giới đầu tư dìm các thị trường vốn trong quý III do quan ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu sẽ kích hoạt một cuộc tái suy thoái, và Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) thừa nhận có “rủi ro nghiêm trọng” về khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đi xuống. Chỉ số S&P 500 mất tới 18% so với đỉnh 3 năm lập ngày 29-4.
“Nền kinh tế Hoa Kỳ đang hướng tới một cuộc suy thoái mới”, theo nhà phân tích Lakshman Achuthan của Viện Economic Cycle Research. “Bạn đang có những dấu chỉ đáng lo ngại. Các dịch vụ phi tài chính đang đi xuống, sản xuất đi xuống, xuất khẩu đi xuống. Đó là một sự kết hợp chết người”.
Các thị trường vốn rớt điểm hôm nay sau khi báo cáo cho thấy chi tiêu tiêu dùng ở Hoa Kỳ chậm lại trong tháng 8. Tiêu dùng tăng 0,2% sau khi tăng 0,7% hồi tháng 7. Thu nhập giảm 0,1%, dự báo trước đó là tăng 0,1%.