CK Hoa Kỳ 2-6: Dow mất hơn 300 điểm

(ĐTTC) - Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vào lúc rạng sáng ngày 2-6, CK Hoa Kỳ tiếp tục đi xuống, có 4 tuần giảm điểm trong 5 tuần giao dịch và xóa sạch những thành quả đạt được từ đầu năm đến nay của chỉ số Dow Jones Industrial Average, trong bối cảnh quan ngại gia tăng về việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày một tồi tệ.

Chỉ số Standard & Poor’s 500 Index lao dốc 2,5% trong phiên giao dịch hôm nay, tệ nhất kể từ tháng 11-2011, sau khi các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ tuyển ít việc làm hơn trong tháng 5. Tất cả 10 nhóm công nghiệp trong chỉ số S&P 500 đều giảm trong tuần này.

CP ngành năng lượng lao dốc 4,6% khi dầu có tháng lao dốc mạnh nhất trong hơn 3 năm. Chỉ số các công ty xây nhà lao dốc 10%, tệ nhất kể từ tháng 8-2011, do dữ liệu nhà ở tệ hơn dự báo. CP Facebook Inc. lao dốc 13%.

Chỉ số S&P 500 giảm 3% trong tuần này, xuống còn 1.278,04 điểm, gọt hết tăng trưởng từ đầu năm còn 1,6%. Chỉ số Dow mất 336,26 điểm, 2,7%, còn 12.118,57 điểm, thấp hơn mức đóng cửa khi kết thúc năm 2011 và xóa sạch thành quả tăng trưởng 7,1% so với đầu năm lập ngày 1-5.

“Người ta đang rũ bỏ rủi ro”, theo Joseph Keating, người giúp quản lý 1 tỷ USD với tư các Giám đốc Đầu tư của CenterState Wealth Management ở Birmingham, Alabama. “Không rõ châu Âu sẽ theo đuổi chính sách gì để giảm thiểu nguy cơ từ Hy Lạp, cộng với hệ thống ngân hàng nhiều rủi ro ở châu Âu và việc các công ty Hoa Kỳ tuyển dụng ít lại đã đẩy quá trình phục hồi kinh tế vào nguy cơ”.

Các thị trường vốn giảm khi dữ liệu tuyển dụng tháng 5 cho thấy kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm trong quý I hơn người ta dự báo. Chỉ số sản xuất ở khu vực đồng EUR rơi xuống mức thấp nhất 3 năm trong khi chỉ số quản lý cung ứng (PMI) của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 12-2011.

Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày càng đáng lo ngại theo sau những yếu kém tài chính ở Tây Ban Nha và khả năng Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng EUR.

Quan ngại về tăng trưởng toàn cầu và tình hình tồi tệ ở châu Âu khiến chỉ số S&P 500 giảm 6,2% trong tháng 5, tháng rớt điểm tệ nhất kể từ tháng 9-2011.

Các công ty trong chỉ số S&P 500 đang được giao dịch ở mức gấp 12,9 lần báo cáo doanh thu 12 tháng trước, thấp hơn 21% so với bình quân 16,4% kể từ năm 1954.

Các tin khác