Giới đầu tư bắt đầu phân tích số liệu kinh tế cũng như báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp để dự đoán động thái của FED.
Kết thúc phiên giao dịch vào rạng sáng 29-10 (giờ VN), chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 1.985,05 điểm vào lúc 16h00 tại New York. Chỉ số Dow Jones tăng 1,1% lên 17.005,75 điểm.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong tất cả 10 lĩnh vực chính S&P 500 theo dõi đều tăng điểm, trong đó lĩnh vực năng lượng tăng mạnh nhất với 2,3%.
Khoảng 6,17 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn, thấp hơn mức trung bình 7,92 tỷ cổ phiếu của tháng 10.
Hôm qua 28-10, các nhà hoạch định chính sách của FED bắt đầu ngày họp đầu tiên sau 6 tuần đầy biến động của các thị trường tài chính. Hiện tại, những số liệu kinh tế vĩ mô và báo cáo kinh doanh của khối doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy bức tranh khá tươi sáng về nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong số những doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III, gần 79% có doanh thu vượt kỳ vọng và 62% có doanh số bán hàng vượt ước tính. Các chuyên gia dự đoán, lợi nhuận của khối doanh nghiệp này có thể tăng 6,3% với doanh số bán hàng tăng 4,1% trong quý III.
Cùng với đó, báo cáo niềm tin tiêu dùng của Conference Board cũng cho thấy tín hiệu tích cực hơn về kinh tế Hoa Kỳ. Theo đó tháng 10, chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng lên 94,5 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 10-2007 nhờ giá năng lượng giảm và thị trường việc làm tiếp tục cải thiện.
Tuy nhiên, số đơn đặt mua hàng hóa bền lâu của Hoa Kỳ lại đột ngột giảm trong tháng 9, ghi nhận tháng thứ 2 giảm liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu mua máy móc và máy tính giảm mạnh.
Với những tín hiệu trên, các chuyên gia dự báo, Chủ tịch Janet Yellen và các đồng sự sẽ tập trung vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Hoa Kỳ cũng như tiến tới kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng tháng như dự kiến.
Thậm chí, FED sẽ tiếp tục áp dụng chính sách lãi suất thấp kỷ lục, chờ dấu hiệu cải thiện hơn từ thị trường lao động.