Sau khi đóng cửa nghỉ lễ Lao động vào ngày đầu tuần (2-9), chứng khoán Hoa Kỳ đã mở cửa trở lại trong phiên giao dịch ngày 3-9 với các mức tăng khiêm tốn, bởi những lo ngại xung quanh nguy cơ Hoa Kỳ tấn công quân sự vào Syria vẫn đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 23,65 điểm, tương đương 0,16% lên 14.833,96 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 6,8 điểm (0,42%), lên 1.639,77 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 22,74 điểm (0,63%), lên 3.612,61 điểm.
Đầu phiên, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều bật tăng mạnh mẽ, nhờ diễn biến tích cực tại các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên trước, sau khi cả Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều đón nhận các báo cáo kinh tế đáng khích lệ.
Ngoài ra, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố các số liệu mới nhất cho thấy hoạt động chế tạo của nước này đã tăng mạnh ngoài dự kiến trong tháng 8-2013 cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho xu hướng lên điểm của các mã cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến cuối phiên, đà tăng đã chững lại khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner - một nghị sỹ đảng Cộng hòa, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor và lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi đã cùng tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi tấn công quân sự nhằm vào Syria của Tổng thống Barack Obama.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng kế hoạch tấn công Syria sẽ khiến Washington thiếu tập trung vào các vấn đề trong nước, như việc thảo luận về khả năng rút lại chương trình mua trái phiếu hiện hành và lựa chọn người mới giữ chức Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) thay thế ông Ben Bernake, sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay.
Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại đồng loạt quay đầu giảm điểm, khi những lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông, mà cụ thể là kế hoạch tấn công Syria của Hoa Kỳ và một số nước đồng minh phương Tây, đang dần "nóng" trở lại. Mặc dù mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã quyết định hoãn việc tấn công quân sự nhằm vào Damascus cho tới khi Quốc hội phê chuẩn, song sự ủng hộ của giới lãnh đạo Hạ viện Hoa Kỳ đối với kế hoạch này đã khiến nhiều người hoang mang.
Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,58%, xuống 6.468,41 điểm.
Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ 0,8%, xuống 3.974,07 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 của Đức cũng mất 0,77%, đóng cửa ở mức 8.180,71 điểm.
Sang tới phiên giao dịch ngày 4/9 tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng đều diễn biến khá ảm đạm sau phiên tăng điểm ấn tượng trước đó. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 103,27 điểm (0,74%), xuống còn 13.875,17 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng hạ 222,65 điểm (0,99%), xuống còn 22.171,93 điểm, do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra ồ ạt và tâm lý thận trọng của giới đầu tư về khả năng Mỹ tấn công Syria.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại "nhích" nhẹ 1,23 điểm (0,06%), lên 2.124,34 điểm, trước khi Chính phủ Trung Quốc công bố một loạt báo cáo kinh tế quan trọng.