CLB xuất khẩu tỷ đô (B4): Thủy sản về đích sớm

11 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã cán mốc 7,22 tỷ USD, vượt so với kế hoạch 7 tỷ USD của cả năm.

11 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã cán mốc 7,22 tỷ USD, vượt so với kế hoạch 7 tỷ USD của cả năm.

Nỗ lực mới

Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt khoảng 666 triệu USD, tính chung giá trị xuất khẩu 11 tháng toàn ngành đạt 7,22 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 21,85% tổng giá trị xuất khẩu.

Trong những tháng qua, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường khác đều tăng, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng 8,47%, 37,49% và 16,17%. Như vậy so với kế hoạch ban đầu, thủy sản đã về đích sớm trước 1 tháng. Theo dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2014 có thể cán mức 7,5 tỷ USD. Có thể thấy, cũng như một số ngành xuất khẩu chủ lực khác, thủy sản có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

2014 là năm mang đến cơ hội lớn cho con tôm nước lợ Việt Nam vì sản lượng tôm của 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới là Thái Lan và Trung Quốc chưa cải thiện nhiều và tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung tôm của thế giới.

Ông Trương Đình Hòe,
Tổng thư ký Vasep

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng liên tục qua các năm với mức tăng trưởng khoảng 15-20%/năm. Đặc biệt 10 năm qua, thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 lên 6,1 tỷ USD vào năm 2011.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 6,5 tỷ USD. Và đến thời điểm này thủy sản cũng vượt kế hoạch của năm 2014 . Đây là cơ sở quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam hướng tới con số 11 tỷ USD vào năm 2020, theo mục tiêu đặt ra tại “Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020” Tổng cục Thủy sản vừa công bố.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm nay thắng lợi trong xuất khẩu thủy sản vẫn chủ yếu nhờ vào mặt hàng tôm. Đến nay, giá trị xuất khẩu tôm chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu về thủy sản. Xếp sau tôm, cá tra là mặt hàng chủ lực thứ hai, chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Mặc dù về đích sớm nhưng ngành thủy sản vẫn tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, trong đó 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ, hay rào cản về kỹ thuật kháng sinh với con tôm Việt Nam ở thị trường Nhật Bản…

Thách thức cũ

Mới đây, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam, sau khi rà soát thuế lần thứ 2 đối với mặt hàng này. Theo đó, trong ít nhất 5 năm tới cá tra, cá basa Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá.

Thực tế, sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam đã bị phía Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá lần đầu tiên từ năm 2003. Năm 2008, phía Hoa Kỳ tiến hành rà soát lần 1, lúc đó cá tra, basa Việt Nam bị kết luận áp thuế chống bán phá giá trong 5 năm. Đợt rà soát thứ 2 vừa rồi 2 mặt hàng này vẫn tiếp tục bị áp thuế.

Nói về quyết định này của ITC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi khẳng định các công ty Việt Nam không bán phá giá mặt hàng filet cá tra, cá ba sa đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Việc ITC áp thuế chống bán phá giá đối với những mặt hàng này là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa 2 nước, không phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ".

Trước cá da trơn, con tôm cũng bị áp thuế chống bán phá giá. Theo đó, vào khoảng cuối tháng 9-2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam cho đợt 1-2-2012 đến 31-1-2013 (POR8). Theo đó, các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, CTCP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc 25,76%. Việc áp dụng mức thuế này được đánh giá sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các DN Việt Nam trong việc cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ cũng như phải chuẩn bị nguồn tài chính không nhỏ để trang trải thuế.

Thắng lợi của ngành thủy sản chủ yếu nhờ vào tôm.

Thắng lợi của ngành thủy sản chủ yếu nhờ vào tôm.

Cho đến nay Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Để giữ thị trường này, các DN, hiệp hội và cơ quan chức năng cần kiên định theo đuổi các vụ kháng kiện. Về lâu dài, phía hiệp hội cũng đã nhiều lần khuyến cáo DN tích cực tìm kiếm những thị trường khác có tiềm năng để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Bởi trong một thế giới các hiệp định thương mại song phương, đa phương liên tục được ký kết, cũng là lúc các hàng rào kỹ thuật, vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Đó cũng là cách để các quốc gia bảo vệ nền sản xuất trong nước. Theo đó, để ổn định và tăng trưởng xuất khẩu, DN thủy sản phải tự mình mạnh hơn lên, nắm rõ quy định pháp luật, minh bạch thông tin… để khi cần có thể “trả đòn” bằng pháp lý.

(Còn tiếp)

Các tin khác