(ĐTTCO) - CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) có mô hình hoạt động khá tương đồng so với CTCP Tập đoàn FPT (FPT). Chính vì vậy, để thoát khỏi cái bóng của FPT, CMG đã chủ động tái cơ cấu hoạt động và bước đầu ghi nhận được những kết quả tích cực.
Chuyển hướng đi
Tiền thân của CMG là Trung tâm ADCOM thuộc Viện Công nghệ vi điện tử thành lập năm 1991 với số vốn ban đầu 50 triệu đồng. CMG hoạt động trên cả 4 mảng: phần mềm, tích hợp, viễn thông và phân phối lắp ráp, mô hình tương tự như FPT nhưng quy mô nhỏ hơn. Phần lớn sở hữu của CMG nằm trong tay ban lãnh đạo với tỷ lệ 49%. CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) là cổ đông lớn thứ 2 với 14% vốn điều lệ, theo sau là Tập đoàn Bảo Việt và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (chiếm 5%). Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu khối ngoại vẫn còn thấp, chỉ khoảng 3,8%.
CMG đã có tốc độ tăng trưởng cao (30-40% tăng trưởng gộp trong giai đoạn 2007-2010) với đóng góp chính từ 2 mảng tích hợp và phần mềm. Tuy nhiên, doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn nghiêm trọng trong giai đoạn 2011-2013 do mở rộng mảng phân phối và lắp ráp nhưng không kiểm soát tốt chi phí. Bên cạnh đó, CMG còn chịu lỗ mảng viễn thông trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Lợi nhuận sụt giảm mạnh, đến năm 2013 chỉ còn bằng 1/4 lợi nhuận năm 2009.
Từ sự sụt giảm này, lãnh đạo CMG đã chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh để tránh không phải đối đầu trực tiếp với FPT. Theo đó, CMG tăng tỷ trọng tích hợp, giảm tỷ trọng phần mềm trong khi tỷ trọng phần mềm của FPT đang gia tăng. Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), sự khác biệt này là tất yếu khi vị thế của 2 công ty không tương đồng. CMG có kinh nghiệm tích hợp nhưng quy mô nhỏ (doanh thu tích hợp bằng 50% FPT), không có các mảng siêu lợi nhuận với tỷ suất lợi nhuận trước thuế từ 20-25% như FPT (tỷ suất lợi nhuận trước thuế cao nhất của CMC là phần mềm đạt khoảng 10%). Trong khi đó, biên lợi nhuận trước thuế (3-4%) và tăng trưởng thị trường tích hợp không quá hấp dẫn đối với FPT nhưng vẫn tiềm năng đối với CMG. Việc FPT không tập trung khai thác mảng tích hợp sẽ giảm áp lực cạnh tranh và tạo cơ hội cho CMG gia tăng thị phần này.
Chính sách tái cơ cấu khá quyết liệt của CMG đã mang lại những kết quả tích cực. Theo BCTC quý II (niên độ tài chính kết thúc ngày 31-3 hàng năm), doanh thu hợp nhất của CMG đạt 1.653 tỷ đồng (tăng 11,2%), lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng (tăng 37,9%). Với kết quả này, CMG đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận sau 2 quý. Dự báo cho cả năm 2015, doanh thu hợp nhất của CMG đạt 3.600 tỷ (tăng 10,6%), lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ (tăng 29,7%).
Những điểm tích cực
Theo VCBS, điểm tích cực trong hoạt động cốt lõi của CMG sau giai đoạn tái cơ cấu là mảng viễn thông. CMC Telecom ra đời khá muộn (năm 2008) khi Viettel, VNPT, FPT đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường (3 công ty này đã chiếm trên 90% thị phần và phần lớn hạ tầng chủ chốt). Điều này tạo ra sức ép lớn cho những công ty ra đời sau như CMG phải có được tệp khách hàng đủ lớn để bù đắp chi phí đầu tư hạ tầng tốn kém ban đầu. Cách làm của CMG trong giai đoạn đầu là xác định cáp quang ngay từ đầu khi toàn bị trường đã sử dụng ADSL rộng rãi để đón xu hướng mới; hợp tác với VTV cung cấp internet qua cáp truyền hình với giá thành cạnh tranh mà không cần đầu tư hạ tầng; thuê lại hạ tầng các đơn vị khác giai đoạn đầu và đầu tư vào các công ty trong ngành (Netnam) để xâm nhập nhanh. Hiện tại, CMG đã vượt qua điểm hòa vốn và trở thành doanh nghiệp viễn thông đứng thứ 5 trong mảng internet với 2,52% thị phần (sau VNPT, Viettel, FPT, SCTV). CMG chú trọng hơn vào thị trường xuất khẩu và thu hẹp mảng phân phối. Lĩnh vực phần mềm vốn có quy mô thị trường và biên lợi nhuận tốt nhất trong các mảng kinh doanh của CMC, nhưng do không phát huy tốt tiềm năng và bị tụt lại so với các đối thủ như FPT khá nhiều. Việc thiếu hiệu quả đến từ sai lầm trong chiến lược khi quá chú trọng thị trường trong nước nên giới hạn tiềm năng phát triển, các sản phẩm có tên tuổi chỉ bán được quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Trước thực trạng này, CMG đã chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng cho thuê quyền truy cập cho khách hàng số đông và quan tâm đến thị trường xuất khẩu. Giai đoạn này cũng như FPT trước đây, sẽ mất vài năm để đầu tư nhân lực (tăng 70-80 người/năm từ 300 người hiện nay) và chứng minh năng lực qua các hợp đồng nhỏ đã ký kết.
![]() |
Lễ ký kết CMC Telecom bán 25% CP cho đối tác nước ngoài. |
Rủi ro của CMG có thể đến từ việc thay đổi xu hướng công nghệ nhanh, sức ép cạnh tranh từ việc giảm giá gói cước cáp quang và thắt chặt chi tiêu. Về dài hạn, vấn đề lãnh đạo kế cận và sự thống nhất về chiến lược cạnh tranh sẽ không còn thuận lợi khi mới đây, CMG đã ký thỏa thuận bán 25% cổ phần tại CMC Telecom cho TIME dotCom với giá trị 12 triệu USD. TIME dotCom là nhà cung cấp viễn thông cáp quang và giải pháp hạ tầng lớn thứ 2 tại Malaysia. Công ty này sở hữu hoặc có kết nối đến nhiều tuyến đường cáp quan trọng trong khu vực như APG, AAE-1, FASTER, SKR1M... Việc bắt tay với TIME là thông tin tích cực cho CMG khi có thể tiếp cận nguồn băng thông lớn của đối tác cũng như mở rộng phạm vi khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, qua thương vụ này, Tổng giám đốc của TIME đã tham gia vào HĐQT của CMC Telecom.