
Hối hả thi công
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau, theo phân kỳ đầu tư 2021-2025 (giai đoạn 2) với mục tiêu có được 3.000km đường bộ cao tốc.
Như vậy, cuối năm 2025 là hạn chót để hoàn thành tổng số 3.000km theo như kế hoạch. Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2) có 17 dự án với tổng chiều dài 889km, do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, và 11 dự án với 299km do địa phương làm cơ quan chủ quản, được chia làm 2 nhóm.
Nhóm 1 gồm 16 dự án và dự án thành phần với tổng chiều dài 786km, có điều kiện thuận lợi hoặc cơ bản được giải quyết các khó khăn vướng mắc. Trong đó, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng; Bùng - Vạn Ninh, Vân Phong - Nha Trang, đã được các chủ đầu tư đăng ký đưa vào danh sách khai thác tuyến chính dịp 30-4.
Cũng dịp 30-4, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo, sẽ có gần 20km được đưa vào khai thác tuyến chính vào ngày 28-4 để giúp nâng cao năng lực thông hành, giảm tải áp lực cho giao thông trong vùng.
Trong khi đó, ở nhóm 2 gồm 12 dự án thành phần, có tổng chiều dài 402km đang phải tập trung tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nguồn vật liệu xây dựng (VLXD).
Điển hình như dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, gặp khó về nguồn VLXD khi mà công suất khai thác vật liệu đắp còn hạn chế, ảnh hưởng tiến độ gia tải, xử lý nền đất yếu (nhu cầu là 58.000m3/ngày trong khi công suất khai thác thực tế là 35.000m3/ngày).
Còn các dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai dài khoảng 18km, có tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng; dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua Khánh Hòa và Đắk Lắk dài gần 37km, có tổng mức đầu tư hơn 10.400 tỷ đồng; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 1) dài 77km, có tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng…
Tất cả đều ít nhiều bị vướng GPMB, chưa có mặt bằng sạch để thi công, thậm chí có tình trạng nhà thầu vẫn còn khó khăn về thiếu đất đắp nền nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
“Hình hài” 3.000km đầu tiên
Có thể nói, nếu những việc trên không có phương án giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và vỡ kế hoạch, mục tiêu hoàn thành trong năm 2025 của toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 mà Chính phủ đã quyết tâm và yêu cầu phải có được 3.000km đường bộ cao tốc trong năm nay.
Theo như Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong việc yêu cầu các ban quản lý dự án cần bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật tại những dự án mới bảo đảm tiến độ hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc trong năm nay.
Cùng đó, Bộ Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư rà soát, quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" để bù lại tiến độ bị chậm, nhất là tại các dự án như: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, hay như dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Nói chung, từ nhà thầu, tư vấn đến chủ đầu tư phải xắn tay vào cuộc với quyết tâm cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cũng đã đề cập đến việc thực hiện mục tiêu thông xe cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng để phấn đấu thông xe tuyến chính cuối năm nay. Song Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng chỉ ra một số dự án như: Tuyên Quang - Hà Giang, Vành đai 3 TPHCM với khối lượng thi công còn lớn, đòi hỏi các bên liên quan tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu, nguồn lực, tổ chức thi công khoa học, bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Đặc biệt đối với công tác giải ngân, theo Bộ trưởng, ngoài kế hoạch vốn đã được giao hơn 83.7000 tỷ đồng, thì trong thời gian tới, kế hoạch vốn của Bộ Xây dựng dự kiến tiếp tục được bổ sung.
Theo các chuyên gia, việc cần làm lúc này là nhanh chóng gỡ điểm nghẽn về cơ chế đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2). Đó là áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù theo đề xuất của Bộ Xây dựng như: cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu xây lắp; cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường; cho phép triển khai đồng thời công tác lập dự án và thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A.
Ngay từ đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu 3.000km cao tốc vào cuối năm 2025 là khả thi, đến nay đã thấy hình hài con đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị không được chủ quan, phải tiếp tục phát huy tinh thần tiến công, thần tốc, đột phá hơn nữa để đảm bảo tiến độ các dự án.
Để đẩy nhanh và rút ngắn tiến độ thi công, nhà thầu khẩn trương huy động thêm máy móc thiết bị để tập trung làm việc "3 ca 4 kíp", thậm chí làm xuyên lễ, tết trên tinh thần "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, vượt nắng thắng mưa".
Như vậy, nếu các dự án, dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông “chạy” theo đúng kịch bản mục tiêu của Chính phủ cùng với cam kết nỗ lực hoàn thành của chủ đầu tư thì cuối năm nay sẽ có hình hài 3.000km đường bộ cao tốc như ý muốn. Qua đó cũng sẽ góp phần hiện thực hóa quy hoạch mục tiêu 5.000km đường cao tốc mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2030.
Đến nay, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn khoảng 1.188km chưa hoàn thành, bao gồm 28 dự án và dự án thành phần được chia làm 2 nhóm dự án, và hiện đa phần đang trong điều kiện triển khai thuận lợi. Với những dự án bị vướng sẽ bằng mọi giá tháo gỡ kịp thời bằng các cơ chế chính sách đặc thù.