Cơ chế đặc thù TPHCM: Khơi thông nguồn mạch, năng động sáng tạo

(ĐTTCO) - Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Quốc hội thông qua ngày 24-11-2017 có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 đã được nhìn nhận là động lực phát triển, là cơ hội vàng để TPHCM phát triển vượt bậc, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của TPHCM.
 ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, xung quanh vấn đề này.
Nghị quyết 54 tạo đột phá cho TPHCM
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định như thế nào về những nội dung Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Quốc hội thông qua?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Trước khi nói về nội dung Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TPHCM, chúng ta cùng nhìn lại quá trình này. Năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 về phát triển TPHCM đến năm 2010 và giai đoạn tiếp theo. Đến năm 2012, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 16 về phát triển TPHCM đến năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng về mặt quan điểm chỉ đạo Trung ương đối với sự phát triển của TPHCM.
Trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị về TPHCM đều đặt vấn đề rất quan trọng đối với vị trí, vai trò của TPHCM không chỉ đối với nền kinh tế cả nước hay khu vực phía Nam, mà nâng tầm TP trong cạnh tranh phát triển và vươn lên ngang tầm với các TP lớn trong khu vực. Đó cũng là hướng để phát triển TPHCM văn minh hiện đại ngang tầm với vị trí phát triển của TP trong lịch sử cũng như trong tương lai. 
 Về mặt pháp luật, từ thí điểm TPHCM, tương lai khi đạt được thành công có thể mở rộng hoặc một số vấn đề có thể luật hóa để áp dụng ở nhiều đô thị khác. Nhìn chung, nếu thực hiện tốt một số thí điểm ban đầu này sẽ có tác động tích cực cho sự phát triển năng động hơn của cả nước trong những năm tới.
Để làm điều này, Bộ Chính trị đã cho TPHCM một cơ chế rất tổng quát, là những vấn đề gì thực tiễn đặt ra mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nhưng chưa phù hợp, TPHCM đề nghị Chính phủ cho phép làm thí điểm. Nhiều ý kiến nói rằng đây là quyết định quan trọng tạo cơ chế cho TP thí điểm những vấn đề vướng mắc do cơ chế quản lý.
Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã quan tâm xử lý từng vụ việc của TPHCM nhưng nếu làm từng vụ việc vẫn bất cập. Do đó, lần này sau khi Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 đã yêu cầu cần có cơ chế chính sách được Quốc hội và Chính phủ cho phép để TPHCM thực hiện thường xuyên, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ hơn trong một số lĩnh vực.
Về những vấn đề này lâu nay chúng ta thường nói TP đang mặc chiếc áo chật hơn cơ thể, bởi TPHCM là đô thị hơn 10 triệu dân, đó là siêu đô thị và trong tương lai còn phát triển hơn nữa. Với quy mô một TP lớn như vậy cần có cơ chế để tạo sự năng động sáng tạo nhưng cũng phải đặt TP trong tổng thể nền kinh tế và thể chế chung của cả nước, bảo đảm tính thống nhất của nền hành chính quốc gia và nền kinh tế quốc gia, không phải riêng rẽ. 
4 lĩnh vực thí điểm
- Vậy trước mắt theo Nghị quyết 54, TPHCM được thí điểm những lĩnh vực nào, thưa ông?
- Với chỉ đạo sơ kết 5 năm và kết luận của Bộ Chính trị như vậy, vừa rồi, Chính phủ cùng TPHCM trình ra Quốc hội để ban hành Nghị quyết về một số nội dung liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù. Dĩ nhiên còn nhiều nội dung nữa, nhưng trước mắt Quốc hội cho thí điểm 4 lĩnh vực.
Thứ nhất, phân quyền TP để tháo gỡ những dự án đầu tư có đất lúa trên 10ha. TPHCM không có lợi thế về làm lúa nhưng vẫn còn đất lúa, khi chuyển mục đích để làm đất phi nông nghiệp phải xin Chính phủ. Quá trình đó kéo dài thời gian, nhiều nơi mất cơ hội.
Lần này Nghị quyết cho phép phân quyền TP quyết định những dự án như vậy để chuyển mục đích đất lúa trên 10ha không phải xin Chính phủ, nhưng phải bảo đảm trình tự theo quy định của Luật Đất đai và các luật pháp có liên quan. 
 Thực tế những nội dung của Nghị quyết 54 đã được TPHCM chuẩn bị từ trước, không phải bất ngờ. Vì vậy, TPHCM có thể triển khai hiệu quả những lĩnh vực thí điểm để năm 2018 từng bước thực thi, trong đó những vấn đề liên quan đến cải cách bộ máy hành chính, phân cấp phân quyền có thể làm trước một bước và tạo điều kiện để thực thi các vấn đề khác. 
Thứ hai, liên quan đến phân cấp, ủy quyền trong vấn đề đầu tư. Đối với các dự án đầu tư lâu nay thuộc nhóm A dù thuộc ngân sách của TP, không phải ngân sách Trung ương cũng phải xin Thủ tướng quyết định. Lần này Nghị quyết cho phép TP quyết định những dự án như vậy, nhưng cũng phải bảo đảm trình tự thủ tục trong chủ trương quyết định đầu tư theo Luật Đầu tư công và các luật pháp có liên quan để rút ngắn quá trình đầu tư, tiết kiệm và tạo cơ hội đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có quy mô rất lớn liên quan đến hạ tầng đô thị. 
Nội dung thứ ba rất quan trọng là tăng tự chủ của TP hơn về ngân sách. Ở đây có 2 nhóm vấn đề. Một là, tạo điều kiện tăng nguồn thu cho TP. Để tăng nguồn thu, Quốc hội cho phép đối với các loại hàng hóa dịch vụ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (chọn hàng hóa dịch vụ nào TP sẽ phải nghiên cứu tác động), TPHCM trình và Chính phủ đề nghị Thường vụ Quốc hội để chỉnh thuế suất có thể cao hơn mức tối đa thuế suất hiện hành 25%.
Hai là, đối với các loại phí, theo Luật Phí và lệ phí hiện hành, các loại phí nằm trong danh mục, chính quyền địa phương được quyền quyết định loại phí gì do HĐND quyết, những loại phí gì Chính phủ quyết nhưng phải nằm trong danh mục và không được đặt ra các loại phí mới.
Như vậy Nghị quyết 54 được xem là tương đối đột phá khi cho phép HĐND TPHCM được quyền đặt ra một số loại phí không nằm trong danh mục; có quyền quyết định tỷ lệ phí, mức phí đối với những loại phí có trong danh mục cao hơn khung mà Luật Phí và lệ phí cho phép. Đó là vấn đề rất quan trọng vì phí không chỉ là nguồn thu mà liên quan rất nhiều đến vấn đề quản lý đô thị, điều chỉnh vấn đề đô thị, dân cư, giao thông, hạ tầng…
Ngoài ra, Quốc hội cũng cho phép TPHCM giữ lại một số khoản thu, đặc biệt là nguồn vốn thoái vốn, cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước do TP quản lý. Toàn bộ số tiền này được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng của TP, không phải nộp cho Trung ương và thêm một số khoản chia khác để tăng nguồn thu. Đó là những nhóm vấn đề tăng tự chủ để tạo nguồn thu. Ngoài ra, mức dư nợ cũng được lên 90% tổng ngân sách địa phương trong năm, vượt lên so với Luật Ngân sách hiện hành. 
Về chi, HĐND TPHCM được quyền quyết định mức tăng thu nhập cho khối công chức của địa phương và được quyền quyết định mức lương, mức thu nhập cho những chuyên gia đặc biệt do TP tuyển dụng ngoài khung lương hiện nay. Lâu nay, trong vấn đề này, từng vụ việc TP có xin Chính phủ cho phép một vài nơi và bây giờ TP được phép chủ động thực hiện. Như vậy, TPHCM được tự chủ hơn về thu và chi so với hiện hành và so với nhiều địa phương khác, tạo năng động, chủ động hơn cho TP. 
Lĩnh vực thứ tư TPHCM được phép thí điểm liên quan đến hành chính, cho phép TP sắp xếp lại các phòng, cơ sở, các bộ phận tham mưu theo hướng tinh gọn và quyết định những tổ chức bên trong các sở ngành chuyên môn. Đặc biệt TPHCM được phép phân cấp thêm cho quận huyện, quận huyện được phân cấp cho phường xã để tăng tự chủ, năng động hành chính theo nguyên tắc tránh trùng lắp về công vụ giữa TP và quận huyện, phường xã. 
Cơ chế đặc thù TPHCM: Khơi thông nguồn mạch, năng động sáng tạo ảnh 1 Cơ chế đặc thù cho TPHCM sẽ tạo bước đột phá phát triển hạ tầng giao thông. 
2018 đột phá cải cách
- Những quy định trên sẽ tác động đến TPHCM như thế nào, thưa ông?
- Đây là những vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý, chính sách đối với đô thị. Lâu nay những vướng mắc của TP làm cho quá trình phát triển bị hạn chế lại, lần này tháo gỡ để TP tự chủ hơn, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Ở đây có cơ chế tự chịu trách nhiệm nhiều để thấy rằng những việc như vậy thuộc trách nhiệm TP một cách rõ ràng minh bạch. Điều này sẽ tác động trong một loạt dự án đầu tư hạ tầng như tôi đã nói, là vấn đề dự án đầu tư nhóm A hay chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp rút ngắn được quá trình, đặc biệt sẽ nâng vai trò, trách nhiệm của HĐND trong vấn đề quyết định, giám sát phân cấp phân quyền tại TPHCM.
Một điểm quan trọng nữa là tạo điều kiện để TPHCM đột phá nâng cao năng lực quản lý bộ máy hành chính, tăng hiệu quả và giải quyết những vướng mắc về thu nhập của công chức ở đô thị như TPHCM. 
- Thưa ông, TPHCM phải làm gì để đưa Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thực sự là đầu tàu, động lực của cả nước?
- Tôi cho rằng, lâu nay TPHCM cũng đã có sự chuẩn bị nhất định đối với những vấn đề như vậy. Nghị quyết 54 có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 và sau 3 năm phải sơ kết báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để đánh giá. Như vậy, trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 buộc những chủ trương đó phải đi vào cuộc sống. Trong đó có mấy việc cần quan tâm.
Theo tôi được biết Thành ủy TPHCM đã có Nghị quyết về kế hoạch triển khai hành động, chỉ đạo UBND, ban cán sự ủy ban và các ban ngành thực hiện cho tốt từng công việc. HĐND TP cũng có Nghị quyết về triển khai và giao UBND tổ chức thực thi.
UBND cũng đã tổ chức từng nhóm vấn đề như vấn đề thuế, vấn đề phí để có đề án và đặc biệt nghiên cứu từng vấn đề để đánh giá tác động và theo đúng quy trình, những gì thuộc HĐND phải trình HĐND quyết định, những gì phải trình lên Thường vụ Quốc hội HĐND thông qua trình Chính phủ để trình lên Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tháng 5-2018. 
Hiện nay ngoài các sở ngành có chuyên môn liên quan được giao còn tập hợp các chuyên gia trong các ngành có liên quan để tập hợp đánh giá tác động. Đến ngày 15-1-2018, những vấn đề đã có chuẩn bị kỹ trước, tác động có thể dự liệu được có thể triển khai dần và đến giữa năm 2018, tất cả nội dung trong Nghị quyết 54 sẽ đưa dần vào trong cuộc sống từng vấn đề, để 3 năm sau sơ kết đánh giá lại. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác