Trong phiên toàn thể, các đại biểu đã được nghe phát biểu và thông điệp của các vị đại diện Chính phủ, chư vị Tăng thống, Tăng vương, Chủ tịch, lãnh đạo các tổ chức Phật giáo trên thế giới tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Sau khi kết thúc phiên toàn thể, 5 diễn đàn của Hội thảo quốc tế với hai ban tiếng Anh và tiếng Việt đồng loạt tiến hành thảo luận phiên thứ 1.

Quang cảnh phiên toàn thể của Hội thảo quốc tế sáng 7-5 tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Hội thảo quốc tế có 5 diễn đàn tương ứng với 5 chủ đề, gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

Ông Ramdas Athawale, Bộ trưởng Bộ Công lý Xã hội và Trao quyền công bố thông điệp của Nhà nước Ấn Độ gửi đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025
Tại diễn đàn với chủ đề "Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới", Hòa thượng Gallelle Sumanasiri, Tổng Thư ký Hội đồng Chuyên trách về Phát triển và Phật sự Sri Lanka đã tham luận chủ đề “Đức tin và lòng từ bi, bình an bên trong và hòa bình bên ngoài”.
Theo đó, để đối mặt với những thách thức của cuộc sống, con người đã sáng tạo ra nhiều dạng thức cộng đồng và tôn giáo là một trong số đó. Trong đó, Phật giáo như một hệ thống tư tưởng luôn đặt con người là chủ thể và ý thức được sức mạnh của ý chí và nỗ lực của con người có thể giúp họ vượt qua đau khổ, đạt được hạnh phúc, hòa bình lâu dài mà không cần sự hỗ trợ của các thế lực siêu hình”.

Quang cảnh diễn đàn với chủ đề "Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới"
Còn theo TS. Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo và Kiều bào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đạo Phật có sự tương đồng giữa giáo lý “Từ bi - Hỷ xả”, “Cứu khổ cứu nạn” của Phật giáo với tư tưởng, tình cảm và truyền thống nhân văn của người Việt nên đạo Phật đã luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Ngay từ buổi đầu mới được truyền vào nước ta, Phật giáo đã được các bậc Tổ sư tiền bối tiếp thu một cách có chọn lọc, dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh và tạo nên một đạo Phật rất Việt Nam gắn bó mật thiết không thể phân ly trong lòng dân tộc.
Bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hiện thực hóa khát vọng dựng xây đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc – Phật giáo Việt Nam có được cơ duyên thuận lợi. Đó là có một tổ chức Giáo hội thống nhất về tổ chức và lãnh đạo, thống nhất về tư tưởng và hành động mà chưa có Phật giáo nước nào trên thế giới có được.
Đây là sức mạnh nội lực để Giáo hội tiếp tục thực hiện các Phật sự cao cả theo tâm nguyện của chư Tổ, đồng thời bảo tồn và phát huy tinh hoa Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

Đại biểu Phật giáo quốc tế tham dự diễn đàn với chủ đề "Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới"
Để đáp ứng yêu cầu của thời đại và góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các công tác Phật sự như tăng sự, hoằng pháp, giáo dục Tăng Ni, hướng dẫn Phật tử, nghi lễ, văn hóa, từ thiện xã hội, đối ngoại nhân dân, nghiên cứu Phật học, truyền thông… cần được triển khai trên nền tảng tiếp thu và ứng dụng linh hoạt thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học.
"Đây cũng là cơ duyên để Giáo hội xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng thế hệ Tăng Ni, cư sĩ trẻ có đầy đủ đạo hạnh, tuệ giác, chính niệm, lòng từ bi và tinh thần đại hùng, đại lực, sẵn sàng dấn thân phụng sự, gánh vác trọng trách mà thời đại và đất nước giao phó" - TS. Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.