Nghịch lý chỉ số giá tiêu dùng
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, trong tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách - nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” và đã có những khởi sắc. Hậu giãn cách, trong tháng 5 đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9% so với tháng trước; xuất khẩu tăng 5,2%... Tuy vậy, khó khăn phía trước còn rất lớn, tác động của dịch Covid-19 tiếp tục thử thách sức chống chịu và khả năng bật dậy của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không lùi bước trước khó khăn. Ảnh: VGP
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%; nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6%; đơn hàng xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh dù Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu sau 5 tháng đầu năm; thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước tính đạt 529.600 tỷ đồng, bằng 35% dự toán năm… Doanh thu du lịch giảm 54%; khách quốc tế giảm 49%. Một vấn đề đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng (bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây: tăng 4,39%) trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ít, giá xăng dầu giảm, người dân tiết giảm chi tiêu.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều báo lớn quốc tế đưa tin về thành công phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Cùng với phòng chống dịch tích cực, chúng ta đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép rất cụ thể và đạt kết quả, gần như xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Vấn đề an sinh xã hội cũng được quan tâm giải quyết. Các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do dịch Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Chính phủ đã có nhiều hoạt động tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm không lùi bước trước khó khăn. Mọi cấp, mọi ngành phải có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt được mục tiêu cao nhất năm 2020; tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép thành công; khôi phục hoạt động kinh tế xã hội quyết liệt hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, cả về tiêu dùng cá nhân, thương mại dịch vụ.
Trước tình trạng người nước ngoài lách luật, mua đất ở vị trí đắc địa, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT đề xuất biện pháp quản lý, không để hậu quả xấu có thể xảy ra. Về vấn đề giá thịt heo vẫn ở mức cao mặc dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt heo cao nhưng cũng tránh để thịt heo rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phải giữ giá thịt heo ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, bằng khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả heo châu Phi cùng những biện pháp khác như nhập khẩu.
Tội phạm tín dụng đen đã “nằm trong tầm ngắm”
Tại cuộc họp báo chiều tối cùng ngày, trả lời về tín dụng đen, nhất là vay tiền qua ứng dụng điện thoại (app), Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng đây là nội dung mà Bộ Công an rất quan tâm. Tội phạm tín dụng đen đã “nằm trong tầm ngắm” của các cơ quan phòng chống tội phạm.
Tội phạm tín dụng đen chiếm hơn 22% cơ cấu tội phạm. Người vay chủ yếu là nghiện hút, cờ bạc vì người kinh doanh chân chính đều biết không thể có lợi nhuận nào bù nổi lãi suất tín dụng đen. Bộ Công an đã cảnh báo nhiều về tội phạm này, báo chí cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân. Tới đây Bộ Công an cũng sẽ có hội nghị sơ kết về vấn đề này.
Về vụ nghi vấn hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam (là công ty con của Công ty Tenma Nhật Bản đặt tại Bắc Ninh), Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Bắc Ninh xác minh thông tin.
Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm việc với Công ty Tenma Việt Nam để thu thập tài liệu. Bộ Công an cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan liên hệ với các đối tác phía Nhật Bản để thu thập tài liệu, khi có kết quả sẽ công khai, tinh thần là làm rõ nghi vấn, minh bạch, rõ ràng, xử lý nghiêm như chỉ đạo của Thủ tướng.
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ Tài chính đã lập đoàn thanh tra toàn diện với cơ quan thuế, hải quan; đã đình chỉ công tác 11 cán bộ, công chức của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xác minh làm rõ, nếu có sai phạm thì xử nghiêm, bảo đảm môi trường kinh doanh và chống thất thu thuế.
Về thông tin tổng thầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đề nghị cần 50 triệu USD trước khi bàn giao, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, mọi việc phải tuân theo hợp đồng.
Đến nay, ban quản lý dự án đã thanh toán cho tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%. Việc tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng EPC và các phụ lục hợp đồng đã ký. Còn lại, những vấn đề tồn đọng hiện nay Bộ GTVT đang tích cực phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội và các bộ ngành liên quan giải quyết để tiến hành chạy thử lần cuối trước khi đưa vào vận hành.
Về việc bao giờ vũ trường, karaoke được hoạt động trở lại, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng để có quyết định phù hợp về việc này. Khi đã kiểm soát dịch tốt trong cộng đồng chúng ta cũng sẽ dần dần cho phép các hoạt động trở lại bình thường.
Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 là 17.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng). Về cơ bản, các đối tượng chính sách, người có công đều đã nhận được hỗ trợ. Nhóm đối tượng là công nhân mất việc làm, tạm nghỉ việc cũng đang được các cơ quan chức năng, địa phương hoàn tất các thủ tục để triển khai hỗ trợ. |