Xuất khẩu gặp khó bởi những vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở những thị trường chủ lực, trong khi thị trường trong nước phải đối mặt sự tấn công mạnh mẽ của hàng Trung Quốc. Trong bối cảnh ấy, Tôn Đông Á đã chọn cho mình hướng đi nâng cao chất lượng để giảm sức ép cạnh tranh. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THANH TRUNG (ảnh), Chủ tịch HĐQT CTCP Tôn Đông Á, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thời gian gần đây Thái Lan, Indonesia, Malaysia liên tục có những vụ kiện chống bán phá giá với các sản phẩm tôn Việt Nam. Tôn Đông Á có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa ông?
Ông NGUYỄN THANH TRUNG: - Tôn Đông Á xuất khẩu các sản phẩm của mình từ 10 năm qua. Trước đây, thị trường xuất khẩu chính của Tôn Đông Á là Campuchia, song vài năm gần đây thị trường Campuchia chuộng hàng giá rẻ xuất xứ Trung Quốc nên chúng tôi chuyển hướng qua các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia…
Việc các thị trường này liên tiếp có những vụ kiện chống bán phá giá cũng có ảnh hưởng nhất định tới những DN xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể như thị trường Thái Lan, khoảng 2 tháng gần đây các đơn hàng bắt đầu giảm, bởi còn đang trong quá trình điều tra nên khách hàng dè dặt trong việc nhập hàng.
Khi đơn hàng giảm DN cũng bị ứ đọng nguyên liệu. Còn thị trường Malaysia, mới đây cơ quan chức năng đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời với sản phẩm tôn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 5,68-16,45%. Đây là mức thuế rất cao gây khó khăn cho các DN Việt Nam.
Với riêng Tôn Đông Á, chúng tôi xuất vào thị trường Malaysia chủ yếu là tôn lạnh nên ít bị ảnh hưởng. Song nói chung, tại thị trường này 2 tháng nay khá khó khăn do những biến động của đồng nội tệ sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Nhìn chung, khoảng hơn 1 quý trở lại đây, tình hình xuất khẩu tôn thép của Việt Nam vào ASEAN gặp nhiều khó khăn.
- Trước những khó khăn chung đó, Tôn Đông Á có giải pháp nào cho riêng mình?
- Trong lúc khó khăn như hiện nay, hầu hết DN phải tìm cách xoay sở, chúng tôi cũng không ngoại lệ. Tôn Đông Á đã đầu tư nhà máy mới với những công nghệ đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm cao cấp ở trong nước cũng như chuyển hướng xuất khẩu qua một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…
Chúng tôi chỉ mới xuất khẩu sang các thị trường này khoảng 1 năm, sản phẩm cũng chưa nhiều, nhưng kỳ vọng có thể phát triển tốt. Nếu vào được những thị trường như Hoa Kỳ và xây dựng được thương hiệu tốt, tính bền vững rất cao.
Trước những yêu cầu gắt gao về chất lượng, DN nào có nền tảng đầu tư, chiến lược sẽ có lợi thế, vì khi sản xuất hàng chất lượng cao sức ép cạnh tranh cũng giảm hơn. Thông thường, khi các đối tác đã chú ý đến chất lượng và tin tưởng, họ sẽ ít thay đổi nhà cung ứng.
- Trung Quốc hiện xuất khẩu ồ ạt vào các thị trường trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, và gây sức ép cạnh tranh lớn cho DN nội. Vậy tại sao ở Việt Nam vẫn còn quá ít các vụ kiện PVTM?
Cơ hội thị trường từ các nước như Hoa Kỳ hay Nhật Bản dành cho ngành tôn, thép là không nhỏ. Tất nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. |
- Đúng là thời gian qua tôn Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng quá nhanh, nhất là trong 2 năm 2014 và 2015, điều này làm các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Một số DN quy mô nhà máy nhỏ phải dừng sản xuất, chuyển hướng thành DN thương mại. Việc chưa có nhiều vụ kiện PVTM ở Việt Nam cũng có nhiều nguyên nhân.
Các DN vẫn còn thiếu kinh nghiệm và đang có quá nhiều vấn đề cần phải lo nên cũng chưa tìm hiểu rõ các vấn đề liên quan đến các biện pháp PVTM. Việc thành lập những bộ phận chuyên trách để DN có thể tự bảo vệ mình trong quá trình sản xuất kinh doanh trong nước cũng như khi ra biển lớn là quan trọng, nhưng đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan.
Tất nhiên, trong bối cảnh hội nhập DN không thể lơ là việc này. Cá nhân tôi cũng đang nỗ lực xây dựng bộ máy chuyên về các vấn đề này cho DN mình.
10 năm trước, ngành thép lá mạ của Việt Nam chưa có vị trí cao ngay cả trong khu vực. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cũng như những năm sắp tới ngành thép lá mạ Việt Nam chắc chắn có một vị trí tốt trong bản đồ ngành của khu vực và thế giới, trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Vì thế, rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng.
Hiện các DN ngành thép lá mạ Việt Nam đã có văn bản trình lên Hiệp hội Thép cũng như các cơ quan chức năng về vấn đề nhập khẩu ồ ạt của thép lá mạ Trung Quốc. Được biết, Hoa Kỳ hiện đang áp mức thuế chống bán phá giá đối với chủng loại, quy cách tôn được sản xuất tương tự như ở Việt Nam dành cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ với mức thuế 71-124%.
- Đây có phải là một trong những lý do Tôn Đông Á cũng như một số DN khác muốn chuyển hướng mạnh mẽ qua thị trường này?
- Hiện nay Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để đưa hàng vào các thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản, vì một ông lớn trong ngành sản xuất tôn thép là Trung Quốc đang bị những quốc gia này lập những hàng rào ngăn cản.
Chẳng hạn Hoa Kỳ, tuy lập hàng rào với Trung Quốc nhưng họ vẫn có nhu cầu nhập khẩu rất lớn, chính vì vậy cơ hội chiếm lĩnh của DN Việt Nam là khá nhiều. Cộng thêm việc Việt Nam vừa kết thúc đàm phán TPP, cơ hội thị trường từ các nước như Hoa Kỳ hay Nhật Bản dành cho ngành tôn, thép là không nhỏ. Tất nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Vấn đề là chúng ta có đủ tầm để chơi cho công bằng hay không.
- Xin cảm ơn ông.