Cơ hội cho ngành xuất khẩu?

Cuối tuần qua, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013 - Cơ hội và thách thức”, vấn đề được nhiều DN và chuyên gia quan tâm là thị trường trong và ngoài nước có tạo cơ hội cho DN xuất khẩu? Đặc biệt, do hệ quả khó khăn của năm ngoái, nhiều DN chưa thể phục hồi để có thể tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Cuối tuần qua, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013 - Cơ hội và thách thức”, vấn đề được nhiều DN và chuyên gia quan tâm là thị trường trong và ngoài nước có tạo cơ hội cho DN xuất khẩu? Đặc biệt, do hệ quả khó khăn của năm ngoái, nhiều DN chưa thể phục hồi để có thể tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Tín hiệu ngành công nghiệp

Theo các chuyên gia, năm 2013 kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn, trong đó nợ xấu và hàng tồn kho tiếp tục là 2 điểm nghẽn lớn. Điều này tác động tăng trưởng xuất khẩu của DN, đặc biệt DNNVV. Khó khăn tiếp theo là vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay và lãi suất.

Năm 2012, lãi suất bình quân cho vay đã giảm từ mức 18-20%/năm xuống 12-13%/năm nhưng vẫn còn cao so với nhiều DN. Do đó, các DN đã hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng nguồn hàng xuất khẩu trong năm 2013 và các năm tiếp theo.

Dây chuyền sản xuất tại Hoa Sen Group.

Dây chuyền sản xuất tại
Hoa Sen Group.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, năm 2013 các nước châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều tung ra gói kích cầu.

Điều này sẽ giúp nhu cầu tiêu dùng tại các nước này tăng trưởng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Ở trong nước, kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định. Việc triển khai tích cực của các bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ với nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu… đã từng bước phát huy tác dụng.

Nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI những năm gần đây tăng mạnh (điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm cơ khí, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị…).

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho biết với kinh doanh mặt hàng thép, trọng lượng nặng khiến chi phí vận chuyển cao nên Hoa Sen chọn thị trường ASEAN. Niên độ tài chính 2011-2012 Hoa Sen đạt doanh thu xuất khẩu gần 180 triệu USD, tăng 80% so với niên độ tài chính trước đó, trong đó chủ yếu tập trung thị trường ASEAN.

Năm 2013, Hoa Sen dự kiến tăng trưởng xuất khẩu 20-30% sang thị trường này với doanh thu xuất khẩu cả năm 250 triệu USD.

“Chúng tôi muốn duy trì tốc độ tăng trưởng  xuất khẩu vì nhu cầu nội địa đang yếu đi, dù Hoa Sen chiếm thị phần thép khá lớn (trên 40%).

Thời gian gần đây, cùng với sản phẩm xuất khẩu chủ lực là nông sản, hải sản, dầu khí… xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đã khả quan hơn. Vừa qua chúng tôi tiếp rất nhiều khách hàng đến từ Australia, châu Âu… Tuy nhiên, trước mắt Hoa Sen tập trung xem xét kế hoạch đầu tư, xây dựng nhà máy ở một số nước ASEAN” - ông Vũ chia sẻ.

Cơ hội tái cơ cấu

Theo TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, dù yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng (so với công suất đã đầu tư), nhưng năm 2013 nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đề ra trong 2 nghị quyết của Chính phủ.

Trong bối cảnh này, bên cạnh những thách thức vẫn có cơ hội tái cơ cấu DN, lành mạnh hóa thị trường hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn, như đề án tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013-2020 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp của Chính phủ sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bổ lại nguồn lực; thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh, thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ.

Đặc biệt, với lạm phát kỳ vọng 6-7%, tỷ giá VNĐ/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013, sẽ tạo điều kiện quan trọng cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán các mục tiêu trung hạn…

 Theo một chuyên gia kinh tế, việc khai thác thị trường mới của DN xuất khẩu sẽ còn khó khăn do phải đối mặt với những rào cản về chính sách bảo hộ của nhiều nước, cũng như sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ, các DN xuất khẩu phải chủ động cập nhật thông tin thế giới và trong nước, nắm bắt thời cơ, phản ánh kịp thời những khó khăn ngoài tầm giải quyết của mình với cơ quan nhà nước, từ đó phấn đấu đẩy mạnh xuất khẩu.

Các khó khăn như sức mua giảm, hàng tồn kho, nợ xấu gia tăng, lãi suất cao, thiếu vốn… sẽ được cải thiện hơn so với năm 2012. Đây cũng là thời kỳ mở ra cơ hội cho những DN tái cơ cấu và phát triển bền vững.

Đồng tình với quan điểm này, một DN kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, cho rằng trong nhiều năm liền tín dụng tăng, tập trung vào những lĩnh vực siêu lợi nhuận như chứng khoán, bất động sản nhưng mang yếu tố đầu cơ cao, giờ đây chúng ta phải trả giá về điều đó.

Vì thế, các chính sách của Chính phủ thể hiện rất rõ ưu tiên cho sản xuất, chỉ có sản xuất mới tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và đó chính là sức mua thật của nền kinh tế. “Năm 2013 Chính phủ cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn quyết sách để đẩy mạnh xuất khẩu.

Một nền kinh tế phát triển bền vững phải phát triển mạnh xuất khẩu. Bởi xuất khẩu tốt tạo tích lũy ngoại tệ, khi nền kinh tế thế giới suy giảm, DN có thể dễ dàng chuyển qua thị trường nội địa để tồn tại” - vị lãnh đạo DN này nói.

Các tin khác