Nhà đầu tư liên tục lỗ
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tháng 9-2022 có chỉ số VN-Index mất đến 11,5%, xuống 1.132,11 điểm. Cũng chỉ trong tháng 9, vốn hóa thị trường “bay” khoảng 610.000 tỷ đồng (tương đương 25,4 tỷ USD). TTCK Việt Nam rơi vào nhóm TTCK có đà giảm mạnh nhất thế giới.
Sau khi trải qua “tháng 9 đen tối”, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường đã “dò” được đáy nên nhảy vào bắt đáy. Thế nhưng, thị trường trong 2 tuần đầu tháng 10 tiếp tục chao đảo và giảm sâu. VN-Index có thời điểm đã rời khỏi mốc 1.000 điểm, tất cả các mã cổ phiếu đã giảm mạnh trước đó lại tiếp tục lao dốc. VN-Index tính đến nay đã giảm đến 500 điểm so với đỉnh được lập từ tháng 4-2022. Đáng chú ý, VN-Index giảm khoảng 35% nhưng các cổ phiếu cơ bản cũng đã chiết khấu 40-60% từ vùng đỉnh. Thậm chí, không ít cổ phiếu đã mất đến 70% như GEX và cổ phiếu bất động sản có thị giá cao nhất thị trường là L14 đã giảm 90% từ đỉnh.
Anh Hoài An (ngụ quận 3, TPHCM), một nhà đầu tư khá lâu trên TTCK, cho biết, anh đang nắm giữ một số cổ phiếu căn bản tốt như ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng tài khoản của anh đã lỗ ở mức hơn 40%. Không còn tiền mặt, anh An đã dùng margin (đòn bẩy) để bắt đáy trong phiên cuối tháng 9 nhưng không ngờ cổ phiếu lại tiếp tục giảm mạnh nên phần “bắt đáy” đã trở thành “tai họa” khi lỗ chồng lỗ thêm
gần 20%... Không riêng anh An, nhiều nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2022 đến nay cũng lỗ nặng vì nhóm “cổ phiếu vua” này đã giảm hơn 50% ngay cả khi kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn khởi sắc.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả các quỹ đầu tư lớn như VEIL (quỹ có vốn đầu tư quy mô cả tỷ USD thuộc Dragon Capital) cũng đã lỗ gần 15%, tương đương gần 315 triệu USD (hơn 7.606 tỷ đồng) trong tháng 9-2022. Tương tự, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan PYN Elite cũng ghi nhận hiệu suất đầu tư giảm hơn 13% (tương đương giảm gần 60 triệu EUR, gần 1.390 tỷ đồng) trong tháng 9-2022.
Đi đường dài
VN-Index thủng 1.000 điểm trong tuần qua được giới chuyên gia nhận định do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có phần giảm thái quá vì tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thị trường “tụt áp” trong thời gian qua đó là thanh khoản giảm mạnh. Dòng tiền đang có xu hướng rút khỏi TTCK, dù bức tranh vĩ mô trong nước nhìn chung vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.
Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 9-2022 giảm 16% so với tháng trước, xuống còn 11.800 tỷ đồng/phiên, dù chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn về còn T+2 từ ngày 29-8. Dòng tiền trên thị trường teo tóp đã và đang tạo thêm khó khăn cho nhà đầu tư, bởi các cơ hội giao dịch ít dần. Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 10-2022, sàn chứng khoán TPHCM thường xuyên xuất hiện nhiều phiên giao dịch có quy mô dưới 10.000 tỷ đồng.
Việc TTCK Việt Nam giảm 30% từ đỉnh và dòng tiền “mất hút” được các chuyên gia lý giải do hệ quả của việc chuyển dịch dòng tiền giữa các kênh đầu tư. Theo ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research, nhà đầu tư cá nhân đã liên tục rút ròng ra khỏi thị trường do TTCK giảm mạnh. Lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cũng đã hút một phần tiền của TTCK. Cùng với đó, nền kinh tế mở cửa sau dịch Covid-19 dẫn tới nhiều nhà đầu tư rút tiền ra khỏi chứng khoán để quay lại sản xuất, kinh doanh. Khối ngoại cũng đã bán ròng 3.500 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tháng 9-2022.
Sau chuỗi giảm điểm kéo dài, các công ty chứng khoán cho biết, hiện mức P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của VN-Index xấp xỉ 9,98 lần - mức thấp thứ 3 trong lịch sử; P/B (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) cũng ở mức thấp thứ 5 trong lịch sử với mức 1,71 lần. Điều này được nhìn nhận rất hiếm khi xảy ra, trừ những
giai đoạn nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng. Việc chỉ số P/E và P/B về mức thấp như hiện nay cho thấy định giá chứng khoán đang rất hấp dẫn. Và lịch sử cho thấy, trong những lần TTCK định giá rẻ thì sẽ thu hút được dòng tiền mới và thị trường sẽ bật tăng sau đó.
Cùng với đó, P/E của TTCK Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so các thị trường khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia... càng kỳ vọng thu hút nguồn vốn ngoại so với các nước trong khu vực. Thực tế cũng cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 10-2022, khi thị trường giảm sâu, khối ngoại đã quay lại mua ròng trên TTCK Việt Nam hơn 1.600 tỷ đồng, mang đến những tín hiệu tích cực cho TTCK Việt Nam.
Theo các chuyên gia, TTCK trong ngắn hạn vẫn còn gặp nhiều thách thức vì các yếu tố gây nên sự sụt giảm của TTCK thế giới cũng như trong nước là lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, rủi ro suy thoái, tỷ giá, xung đột địa chính trị, xử lý sai phạm thị trường trái phiếu trong nước... Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đánh giá có nhiều cơ hội đầu tư tốt nếu nhà đầu tư quan tâm tới triển vọng dài hạn và bỏ qua những trồi sụt ngắn hạn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS, cho rằng, trong bối cảnh TTCK còn nhiều biến động, nhà đầu tư nên theo trường phái tích sản cổ phiếu và chiến lược mua gom tỷ trọng nhỏ hợp lý với các cổ phiếu chất lượng cao, cổ phiếu đầu ngành khi giá cổ phiếu này giảm sâu. Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT, cũng cho rằng, bối cảnh TTCK khó khăn như hiện nay lại có thể là cơ hội của nhà đầu tư, bởi đây là giai đoạn lợi thế thuộc về người mua để lựa chọn cổ phiếu tốt.