Sau bao đồn đoán, việc tách riêng MobiFone ra khỏi VNPT cuối cùng cũng đã được Chính phủ chốt. Tuy nhiên, việc MobiFone tách ra mà không phải kèm hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ của VNPT lại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Sự bất ngờ bởi lẽ nếu so với cách tính được xem là công bằng hơn trước đây: VNPT mất đi đơn vị chủ lực nhưng đồng thời cũng thoát được những con nợ khổng lồ, MobiFone đứng trước cơ hội lớn nhưng sẽ phải gánh thêm một số doanh nghiệp thua lỗ. Nhưng nay với phương án mới của Chính phủ, gánh nặng trên vai MobiFone đã được cất đi, thay vào đó, tương lai màu xám trong vài năm trước mắt có thể thấy rõ ở VNPT.
Báo cáo tài chính năm 2013 của VNPT cho thấy tập đoàn này đạt doanh thu 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.265 tỷ đồng, chỉ vỏn vẹn bằng 26% so với đối thủ Viettel. Trong đó, chỉ riêng lợi nhuận của MobiFone đã trên 6.000 tỷ đồng, hơn 60%. Ngoài ra, VNPT còn có hàng loạt đơn vị lỗ nặng, mà điển hình có thể kể đến là Công ty Tài chính bưu điện lỗ 635 tỷ đồng, ăn cả vào vốn chủ sở hữu 127,5 tỷ đồng; Vinasat 1 khai thác từ năm 2008 đến năm 2011 lỗ gần 1.589 tỷ đồng, vượt số lỗ dự kiến 329 tỷ đồng; Vinasat 2, nếu khai thác tốt vẫn lỗ 62-130 triệu USD, tương ứng 1.300-2.600 tỷ đồng...
Với phép tính đơn giản, mất đi công ty tạo ra hơn 60% lợi nhuận, sức cạnh tranh trên thị trường kém xa so với cả Viettel lẫn MobiFone, lại thêm hàng loạt doanh nghiệp đang thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, VNPT quả đang có một tương lai ảm đạm hơn bao giờ hết. Và như vậy, cùng với việc cổ phần hóa MobiFone, VNPT sẽ tái sinh như thế nào sau cơn đại phẫu”cũng là vấn đề đang được quan tâm đặc biệt.
Vấn đề này càng được sới mạnh hơn khi phương cách dành cho VNPT chỉ có một: tái cơ cấu, tập trung cho các đơn vị làm ăn có lãi, thoái vốn tại các đơn vị làm ăn thua lỗ, cắt giảm bộ máy nhân sự cồng kềnh… Mặc dù có hay không có MobiFone, việc tái cấu trúc VNPT vẫn là cấp thiết phải làm.
Tuy nhiên, với thực trạng thoái vốn rất khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đã gặp phải, cộng thêm thể trạng èo uột sau khi MobiFone rời đi, VNPT có vượt qua được giai đoạn khó khăn để vươn lên mạnh mẽ như kỳ vọng hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Mặt khác, việc VNPT yếu đi cũng đồng nghĩa với cơ hội hiếm có giành cho các mạng nhỏ khác, trong đó có không ít đại gia đang dòm ngó để đổ vốn vào nhằm chia lại miếng bánh thị phần trên thị trường viễn thông.
Với thực trạng như trên, nếu VNPT không quyết liệt, không có được hướng đi mới, không thoát khỏi những tư duy kinh doanh cũ kỹ, dù đã có cơ chế để VNPT không bị sốc, doanh nghiệp này cũng khó chiếm vị trí thượng phong, tạo ra thế chân vạc cân bằng trên thị trường viễn thông di động. Nếu như thế, đây quả là tình thế đáng tiếc cho anh cả VNPT. Bài toán đó ắt hẳn sẽ có lời giải rõ ràng chỉ sau 1-2 năm nữa.