Lớp 1 được xem là giai đoạn học vỡ lòng. Nếu bộ sách Tiếng Việt lớp 1 lại mang tính đánh đố giáo viên, học sinh không thể nào hấp thụ được bài học một cách trọn vẹn. Mặt khác, lớp 1 có yếu tố nền tảng cho cả quá trình trau dồi Tiếng Việt, không thể chấp nhận bất kỳ thể nghiệm nào khiến học sinh e dè hoặc sợ hãi Tiếng Việt.
Đại diện nhóm Cánh Diều biên soạn Tiếng Việt lớp 1 biện giải, những bài tập đọc đều lấy nguồn từ những tác phẩm nổi tiếng của Lev Tolstoy hay La Fontaine, không phải do học bịa ra. Song truyện ngụ ngôn nước ngoài hoàn toàn không phải dạng văn bản để học sinh lớp 1 có thể đọc và hiểu ngay lập tức. Truyện ngụ ngôn có giá trị ở hàm ngôn, không phải hiển ngôn trên mặt chữ. Học sinh lớp 1 cần được học dạng văn bản rõ ràng và mạch lạc, dễ nhớ và dễ thuộc. Tại sao không trưng dụng kho tàng cổ tích và thi ca Việt Nam mà lại vay mượn truyện ngụ ngôn nước ngoài để dạy và học Tiếng Việt lớp 1?
Những bài tập đọc trong Tiếng Việt lớp 1 không chỉ làm phụ huynh hoang mang, mà giới trí thức cũng ngao ngán. TS. Chu Mộng Long chia sẻ: “Tôi thật sự bất ngờ truyện ngụ ngôn lại chiếm dung lượng lớn trong sách Tiếng Việt 1. Cái chữ với trẻ em đã trừu tượng, lẽ ra chính câu chuyện và hình ảnh trực quan sẽ làm cái chữ trở nên gần gũi, dễ hiểu. Đằng này người viết sách lại ném truyện ngụ ngôn vào đó làm cái trừu tượng thêm trừu tượng và rắc rối, phức tạp hơn. Đó là mục tiêu phát triển năng lực theo nghĩa đánh thức và phát huy tiềm năng của lứa tuổi hay thách đố trí tuệ trẻ em?”.
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) do đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt từng thành viên. Hội đồng thẩm định SGK đối với môn Tiếng Việt lớp 1 cũng có 2 giáo sư là Trần Đình Sử và Mai Ngọc Chừ, nhưng vẫn để lọt những “hạt sạn” trong bộ sách do nhóm Cánh Diều biên soạn? Với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định bộ sách Tiếng Việt lớp 1, GS. Mai Ngọc Chừ khẳng định hội đồng đã phát hiện những bất cập và đã trao đổi với các tác giả. Bằng chứng là biên bản thẩm định sách cũng có ghi rõ hội đồng khuyên nhóm tác giả nên thay những ngữ liệu như “nhá”, “chén” bằng các ngữ liệu phù hợp hơn.
Tuy nhiên, GS. Mai Ngọc Chừ cũng thừa nhận sự trớ trêu đã xảy ra: “Hội đồng thẩm định có thể chỉ ra những cái sai, chưa phù hợp để yêu cầu sửa. Những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả. Khi nhóm tác giả không muốn sửa, Hội đồng không có quyền ép hay sửa thay họ. Khi thẩm định sách, một trong những tiêu chuẩn cứng là vấn đề thực nghiệm. 5 bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng. Khi thẩm định, chúng tôi hỏi rất cặn kẽ thực nghiệm ở đâu, thế nào, nhóm tác giả đều trình bày đầy đủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra từng lớp, từng giáo viên, học sinh để xem mức độ đến đâu”.
Nếu thực tế hoàn toàn đúng như những gì GS. Mai Ngọc Chừ thổ lộ, vai trò của Hội đồng thẩm định SGK khá mờ nhạt. Hội đồng thẩm định có ý kiến không đồng thuận, mà bộ sách Tiếng Việt lớp 1 vẫn được đưa vào trường học, quả là chuyện oái oăm. Trước bức xúc của xã hội về bộ sách Tiếng Việt lớp 1, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bắt đầu thực hiện chương trình giám sát trong tháng 10-2020.
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM ấn hành, thực sự khiến nhiều người lo ngại về chất lượng SGK. Từ bục giảng, nhà giáo Trần Thu Hương, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TPHCM, chia sẻ: “Giáo viên xưa nay chỉ biết tin vào SGK, lấy SGK làm tiêu chuẩn cho việc hướng dẫn các em đọc và viết. Bây giờ, với bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, chúng tôi hoang mang quá. Nói thật, có những ngữ liệu chúng tôi không biết phải giải thích cho học sinh như thế nào. Lớp 1 là nền tảng, nên Tiếng Việt lớp 1 rất cần trong sáng. Nếu dạy “quạ la quà quà” tôi không hiểu những người biên soạn có ngụ ý sâu xa gì”.
Rất nhiều ý kiến đề nghị thu hồi bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn. Lý do, không thể dễ dàng chỉnh sửa một sản phẩm lỗi trong hệ thống sách giáo khoa. Cụ thể hơn, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt khẳng định: “Một bộ SGK có quá nhiều lỗi sai, dư luận, người dân đã có ý kiến, các nhà nghiên cứu trong ngành cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, nên thu hồi. Bất cứ chỉnh sửa nào cũng thêm phần chắp vá. Một bộ SGK liên quan đến con người, việc giải quyết phải dứt khoát, không chấp nhận sự chắp vá. Trẻ em không phải vật thí điểm của các nhà khoa học. Tôi quan niệm rằng biên soạn SGK phải được tiến hành bài bản trong một hệ thống thống nhất dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nếu không hệ quả vô cùng nguy hiểm. Do vậy, tôi cho rằng SGK này phải thu hồi”.
Tương tự, ThS. văn chương Nguyễn Trọng Bình (Trường Đại học Cửu Long), cũng ủng hộ thu hồi Tiếng Việt lớp 1: “Quyển SGK Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của nhóm Cánh Diều không những vi phạm những nguyên tắc, chuẩn mực quan trọng trong giáo dục trẻ em, còn có nguy cơ làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ Tiếng Việt. Ngoài ra, nhóm biên soạn cũng thiếu cái nhìn thực tế để giúp học sinh có thể tự học khi không có thầy cô, phụ huynh bên cạnh. Vì vậy, theo tôi nhất định quyển sách này phải được thu hồi để chỉnh sửa và thẩm định lại. Dĩ nhiên việc thẩm định lại do một hội đồng mới và độc lập để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc”.
Tuy nhiên, có vấn đề cần phải đắn đo. Thu hồi Tiếng Việt lớp 1 không khó, nhưng giải quyết hệ lụy như thế nào? Năm học chỉ mới bắt đầu, không dùng bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều, không lẽ phụ huynh phải tự bỏ thêm tiền để mua bộ sách khác cho con em mình? Có phải những người hưởng lợi từ quá trình mua bán Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều, sẽ gánh chịu chi phí phát sinh kia không?
Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho việc xử lý bộ sách Tiếng Việt lớp 1, theo đúng tinh thần chỉ đạo khắc phục của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp nhắc nhở Bộ GD-ĐT.
Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho việc xử lý bộ sách Tiếng Việt lớp 1, theo đúng tinh thần chỉ đạo khắc phục của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp nhắc nhở Bộ GD-ĐT.