Cổ phiếu đường đang đắng

Cho dù một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ chênh lệch giữa giá đường trong nước và đường nhập khẩu, nhưng nhìn chung ngành đường vẫn chưa hết khó khăn, ít nhất là đến hết mùa vụ 2014/2015.

Cho dù một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ chênh lệch giữa giá đường trong nước và đường nhập khẩu, nhưng nhìn chung ngành đường vẫn chưa hết khó khăn, ít nhất là đến hết mùa vụ 2014/2015.

Cung vượt cầu

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường tiêu thụ cả nước lũy kế đến cuối tháng 9-2014 ước khoảng 1,3 triệu tấn (tăng 18% cùng kỳ), lượng tồn kho đạt mức 264.000 tấn (tăng hơn 19% cùng kỳ), trong đó có 13.200 tấn đường tồn tại các doanh nghiệp thương mại. Hiện khoảng 49% lượng tồn là đường trắng (đường Rs), 43% đường luyện (Re) và 7% đường vàng/thô.

Mặc dù sản lượng tiêu thụ có cải thiện nhưng nguồn cung vẫn tiếp tục gia tăng, nên lượng tồn kho vẫn ở mức cao tạo áp lực lên giá đường trong nước. Trong tháng 7, giá đường nội địa đã bắt đầu chững và giảm trong các tháng tiếp theo sau khi tăng nhẹ trong tháng 4 nhờ những yếu tố tích cực, như dự báo hồi phục từ giá đường thế giới, diện tích mía nội địa bị thu hẹp và chi phí vận chuyển tăng.

Mới đây, tại Hội nghị đầu vụ sản xuất 2014/2015 của ngành đường, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban mía đường Tập đoàn Thành Thành Công, cho rằng thị trường sẽ dần đi đến cân bằng và chuyển sang thiếu hụt từ vụ 2015/2016. Khi đó, giá đường sẽ phục hồi.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là thì tương lai bởi niên vụ 2014/2015 được dự báo vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến giá đường nội địa. Hiện tại, các nhà máy đường trong nước đã vào vụ từ ngày 7-7 và tính đến cuối tháng 8-2014, đã sản xuất được 5.621 tấn đường (cao hơn 8% cùng kỳ).

Mặc dù diện tích trồng mía có phần giảm nhưng năng suất mía được đánh giá có cải thiện, nên sản lượng đường niên vụ 2014/2015 ước đạt 1,6 triệu tấn (tăng 6,6% so với niên vụ 2013/2014). Do đó, để đạt được mục tiêu giảm lượng tồn kho, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt về giá trong các tháng tới.

Nỗi lo đường nhập khẩu

Tại thời điểm cuối tháng 7-2014, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới là Thái Lan hiện còn 4,3 triệu tấn đường (tương đương 1/3 sản lượng sản xuất trong mùa vụ 2013/2014) chưa được xuất khẩu, trong đó 1,8 triệu tấn đường trắng và 2,5 triệu tấn đường thô. Lượng dư cung này khiến Thái Lan đang đối diện với sức ép phải cắt giảm giá đường thêm nữa.

Điều này có thể cản trở khả năng hồi phục của giá đường thế giới. Trước nguy cơ giá đường Thái Lan có khả năng giảm thấp hơn sẽ tạo áp lực nhập lậu đường giá rẻ vào Việt Nam. Hiện nay, giá đường tại Việt Nam gần như cao nhất thế giới do năng suất, chất lượng thấp, chi phí canh tác cao khiến giá mía nguyên liệu cao, dẫn tới giá thành sản xuất đường tăng. Thêm vào đó, tình hình xuất khẩu đường sang Trung Quốc cũng đang rất khó khăn càng khiến giá đường khó có cơ hội phục hồi.

Tuy vậy, hiện tượng chênh giá giữa đường trong nước và nhập khẩu có thể tạo nên lợi thế cho một số doanh nghiệp. Cụ thể, theo Thông tư 08/2014/TT-BCT, các mặt hàng đường thô, đường tinh luyện nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan trong năm 2014 được nâng lên 77.200 tấn (tăng khoảng 5%).

Việc giá đường nhập khẩu (đã bao gồm thuế) vẫn rẻ hơn đường nội địa từ 10-15% nên các công ty đường được cấp quota nhập đường thô sẽ hưởng lợi khoản chênh lệch này, trong đó có 2 doanh nghiệp đường niêm yết được cấp quota cao nhất là CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công (SBT).

Dù vậy, theo phân tích của CTCK Maybank KimEng, lợi thế này vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp thoát khó. Cụ thể, ước tính lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2014 của của SBT khoảng 69 tỷ đồng (giảm 48%). Trong khi đó, BHS đã phải ghi nhận khoản lỗ 16 tỷ trong quý II do bán sản phẩm dưới mức vốn để giải phóng đường tồn kho.

Hoạt động kinh doanh khó khăn đã khiến nhóm CP đường không nhận được sự quan tâm của NĐT như thời điểm hoàng kim. Ngoại trừ SBT vẫn giữ được mức thanh khoản trung bình, đa phần các mã còn lại đều có thanh khoản thấp. Hiện nhóm CP này đang giao dịch quanh mệnh giá 10.000 đồng/CP. Thậm chí, trong các đợt sóng tăng của TTCK, nhóm CP đường cũng phải đứng ngoài “cuộc chơi”.

Các tin khác