Giảm bất thường
Loại bỏ qua phiên giao dịch ngày 19-1 khi cả sàn nhuộm đỏ do VN Index lao dốc, có thời điểm giảm gần 75 điểm, nhóm CP NH có dấu hiệu suy yếu kể từ phiên giao dịch ngày 25-1. Trong phiên giao dịch này nhóm CP NH bất ngờ bị bán ra mạnh, đặc biệt những mã có chuỗi tăng nóng trước đó như STB (Sacombank), EIB (Eximbank), ACB, CTG (VietinBank), TPB (TienphongBank).
Đà giảm của nhóm CP NH tạo tâm lý tiêu cực và ảnh hưởng lên toàn bộ thị trường trong các phiên kế tiếp. Đáng chú ý, trong những phiên giảm sâu này gần như toàn bộ nhóm CP NH bị NĐT bán tháo mạnh, rơi về sàn hoặc gần sàn.
Theo thống kê, chuỗi giảm điểm trong 5 phiên giao dịch từ 25 đến 29-1, đã khiến nhóm CP NH “bốc hơi” khoảng 20%. Mức giảm này tương đương mức tăng trung bình của nhóm CP NH trong cả năm 2020.
Đáng chú ý, mã OCB (NHTMCP Phương Đông) chào sàn đúng phiên đỏ lửa 28-1, cũng chịu cảnh “mất mát” khi lao dốc 20% ngay trong phiên, từ giá tham chiếu 22.900 đồng/CP xuống còn 18.350 đồng/CP. Việc nhóm CP có chuỗi giảm mạnh và liên tục là hiện tượng hiếm thấy với nhóm CP vua trong vài năm trở lại đây.
Thực tế, trong những đợt suy giảm của thị trường trước đây, nhóm CP NH nếu điều chỉnh mạnh cũng chỉ từ 3-5%, hiếm khi bị “đo sàn” hàng loạt 7-15% tùy theo biên độ giao dịch mỗi sàn như thời điểm hiện tại.
Theo lý giải của giới phân tích, việc nhóm CP NH điều chỉnh là hiện tượng hết sức bình thường sau đợt tăng nóng vừa qua. Thế nhưng, việc điều chỉnh quá sâu như hiện tại, dù có thêm thông tin về những ca dương tính Covid-19, có phần bất hợp lý bởi Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc khoanh vùng và cô lập các ca nhiễm.
Càng nghịch lý hơn khi tình hình kinh doanh của các NH hiện đang tốt hơn so với thời điểm này năm ngoái, khi Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh. Đặc biệt, nhóm CP NH vốn được xem là nhóm CP có độ an toàn, vốn hóa lớn, thanh khoản cao và hấp dẫn giới đầu tư nên hiếm khi bị giảm sàn. Cũng chính vì vậy, CP được ví là CP vua trên TTCK.
Kỳ vọng nhưng vẫn lo
Thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận của CP NH trong ngắn hạn, NĐT cần chú trọng những NH ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn. |
Trong đó, VCB (Vietcombank) tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về lợi nhuận với 12.794 tỷ đồng. Các NH xếp sau đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số về lợi nhuận, bao gồm TCB (Techcombank) tăng 20,6%, CTG 22,4% và VPB (VPBank) tăng 30,6%. Các NH có lợi nhuận cao thời gian này còn có BID (BIDV), HDB (HDBank) và TPB, với lợi nhuận lần lượt 7.062 tỷ đồng, 4.381 tỷ đồng và 3.024 tỷ đồng.
Có thể nói, hoạt động kinh doanh của các NH có được nhờ các chính sách hỗ trợ. Để chống lại những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, một số quy định đã được Chính phủ nới lỏng.
Cụ thể, theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng phải hạ mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống dưới 40% kể từ ngày 1-1-2020, tiếp tục xuống dưới 37% từ ngày 1-10-2020. Mức trần tiếp tục được kéo xuống theo lộ trình và đến ngày 1-10-2022 mức trần 30%.
Tuy nhiên, lộ trình này được dời lại 1 năm trong bối cảnh hoạt động cho vay chậm lại. Một điều kiện thuận lợi nữa đối với các NH trong thời gian tới là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Dù không đạt được mục tiêu đến năm 2020 dưới 10%, nhưng các quy định được ban hành nhằm giúp tạo môi trường tích cực cho fintech và các giao dịch không tiền mặt trong thời gian tới.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành NH được dự báo tiếp tục hồi phục trong năm 2021. Nguyên nhân do môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, khi Chính phủ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao, còn NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng.
Do đó, các NH sẽ là nhóm ngành đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi. Ước tính, lợi nhuận trước thuế trung bình của các NH tăng trưởng 21% trong năm nay. Các NH quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với các NH tư nhân (tăng 17,2%), do lợi nhuận trước thuế 2020 của các NH quốc doanh tăng trưởng âm (giảm 6%).
Tuy nhiên, NH vẫn đối mặt nhiều rủi ro, nhất là vấn đề nợ xấu. Tác động của dịch Covid-19 trong các đợt bùng phát trong năm 2020 vẫn chưa qua, thậm chí đang ngấm dần vào số dư nợ xấu của các NH. Nợ xấu vẫn là vấn đề nhức nhối của các NH đã bắt đầu lộ ra trong mùa báo cáo tài chính quý III-2020.
Cụ thể, các số liệu phân tích 9 tháng năm 2020 của các NH niêm yết cho thấy nợ xấu đã tăng khoảng 30% và dự kiến nợ xấu nội bảng cả năm 2020 có thể lên đến 3%. Dự báo năm 2021, nợ xấu có thể lên đến 3,5-4% do độ trễ tác động của nền kinh tế tới lĩnh vực NH.
Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 bất ngờ xuất hiện trở lại với hàng loạt ca nhiễm mới trong tuần qua, có thể đẩy nhóm CP NH rơi vào tình cảnh khó khăn như từng xảy ra ở thời điểm đầu năm 2020. Khi đó vị thế vua của nhóm CP NH chắc chắn bị lung lay, thay vào đó là nhóm CP không chịu tác động bởi Covid-19.