Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, bão Conson đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5. Chiều 9-9, tâm bão Conson cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km, giật cấp 11. Cũng trong ngày hôm qua, các địa phương khu vực Bắc miền Trung đã khẩn trương neo đậu tàu thuyền, thu hoạch nông sản nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.
Sơ tán dân bị vướng vì “ai ở đâu ở yên đó”
Do cơn bão này tương tác với bão Chanthu ở phía Đông Philippines nên việc dự báo hướng di chuyển và cường độ rất khó.
“Mô hình dự báo của Mỹ cho rằng tâm bão có thể đi vào khu vực Đà Nẵng. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo bão sẽ đi vào vùng biển Bắc Trung bộ”, ông Lâm cho biết.
Dự báo, khoảng ngày 11 và 12-9, bão số 5 hoạt động chủ yếu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa với cấp 10-11, giật cấp 13; sau đó tiếp tục di chuyển chậm về phía đất liền nước ta.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), khi đổ bộ vào Philippines, đến sáng 9-9, bão Conson đã làm 19 người mất tích, 10.063 người phải sơ tán, 3.058 nhà bị hư hại, 19 tỉnh, thành phố bị mất điện, 52.640ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (giá trị thiệt hại khoảng 3,8 triệu USD).
Tại Việt Nam, theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên để tránh thiệt hại kép, các địa phương đang có kế hoạch sơ tán gần 760.000 người dân ở miền núi phía Bắc, đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm nhưng ở “vùng đỏ” đang vướng quy định “ai ở đâu ở yên đó” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với các đơn vị, địa phương liên quan vào ngày 9-9, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn hỏa tốc số 92 gửi Bộ Y tế đề nghị khẩn trương có hướng dẫn công tác sơ tán dân để ứng phó mưa lũ, bão tại những nơi có dịch Covid-19.
Tối 9-9, Bộ Y tế đã có công điện hướng dẫn các địa phương khẩn trương test nhanh để sàng lọc các F0 đưa đi sơ tán ở khu vực riêng; bảo đảm giãn cách tốt nhất có thể tại khu sơ tán, bố trí khu vực sơ tán phù hợp với từng đối tượng.
Tối 9-9, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cập nhật số liệu từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 17 giờ chiều 9-9, lực lượng biên phòng và các tỉnh, thành phố đã thông báo cho 71.419 tàu với 346.176 người nắm được tình hình cơn bão và các phương tiện này đã tránh trú an toàn; còn 351 tàu với 2.912 người của Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn đang hoạt động trong khu vực được dự báo bão đi qua.
Kéo thuyền vào rừng
Tại Hà Tĩnh, người dân ven biển đã ngừng ra khơi đánh bắt thủy hải sản, để khẩn trương dùng xe công nông, máy kéo đưa các tàu thuyền lên khu vực rừng phi lao phòng hộ tránh trú bão. Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã thu hoạch được 83% trên tổng diện tích 44.500ha lúa mùa vụ hè thu 2021.
Tại Quảng Bình, Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đơn vị phối hợp với lãnh đạo xã Đức Trạch chọn khoảng 30 ngư dân được xét nghiệm Covid-19 âm tính, có kinh nghiệm, sức khỏe để tham gia đội bảo vệ gần 400 tàu thuyền của ngư dân tại khu neo đậu tàu thuyền cảng Gianh bởi xã Đức Trạch đang bị phong tỏa do dịch Covid-19.
Cùng ngày, ông Trần Quốc Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các xã, thị trấn trên địa bàn đã dự trữ 3.000-5.000 bao tải, chuẩn bị đất, đá và cọc tre để hộ đê khi bão số 5 gây mưa lũ hoặc triều cường dâng cao.
Trong ngày 9-9, tỉnh Nghệ An đang gấp rút thu hoạch khoảng 20.000ha lúa hè thu còn trên đồng. Trên 3.000 tàu thuyền đánh bắt trên biển của tỉnh đã vào bờ, hiện còn khoảng 400 tàu đã nhận được tin bão và đang tìm nơi tránh trú.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị ứng trực 24/24 tại 270 hồ đập đã đầy nước, yêu cầu xả lũ nếu không an toàn; huy động toàn bộ lực lượng sẵn có giúp dân thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”…