Cơn bão số 10 được đánh giá có mức tàn phá lớn, hung tợn nhất trong nhiều năm gần đây, đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Những đợt gió giật thảm khốc vừa dứt, lại kéo theo lũ lụt ở vùng phía Nam tỉnh Thanh Hóa và phía Bắc tỉnh Nghệ An. Hàng ngàn ngôi nhà bị sập, hàng vạn ha hoa màu bị nhấn chìm, thiệt hại không thể nào thống kê đầy đủ trong một sớm một chiều.
Người miền Trung bao đời nay đã quen với bão lụt. Bao thế hệ truyền dạy cho nhau cách tránh bão, cách chạy lụt, nhưng người tính làm sao bằng trời tính. Quá trình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, hướng đi của bão, mức dâng của lụt dần dần vượt ngoài tiên liệu của những mảnh đời cực nhọc trên dải đất khốn khó này.
Cơn bão số 10 đã đi qua, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề. Chỉ qua một đêm, nhiều người dân không còn chỗ che mưa che nắng. Chỉ qua một đêm, tài sản tích cóp đang hy vọng ở vườn rau đám ruộng bỗng thành trắng tay. Nỗi bất hạnh ấy, có người tuôn trào nước mắt, có người nuốt nghẹn đắng cay. Người Hà Nội hay người Sài Gòn bật ti vi, lật trang báo ngày hay mở tin điện tử đều mường tượng được những ngày cực khổ mà miền Trung sắp phải đối mặt.
Cơn bão đi qua như thử thách sức chịu đựng của người miền Trung và cũng thử thách nghĩa đồng bào của người Việt Nam. Người miền Trung kiên cường luôn son sắt “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, nhưng vẫn đang cần sự tương thân tương ái từ khắp nơi. Một bàn tay chìa ra phía hoạn nạn thiên tai sẽ giúp nhiều số phận bớt loay hoay trong túng quẫn xót thương.
Cơn bão đi qua, không phải lúc trách trời gần trời xa nữa. Ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất mới là điều người miền Trung mong muốn hiện nay. Dải đất miền Trung nhỏ hẹp như chiếc đòn gánh nhẫn nại giữa hai đầu Tổ quốc, năm nào cũng đón nhận giông tố triền miên. Một tấm lòng cho miền Trung, vì miền Trung đang thôi thúc mỗi người.
Ứng phó với thiên tai vẫn còn là bài toán hóc búa. Thế nhưng, giúp đỡ thiết thực cho nạn nhân của thiên tai là chuyện không khó thực hiện. UBND TPHCM vừa ban hành Quy định về các chế độ, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, với mức cao nhất lên đến 25 triệu đồng. Những địa phương khác trên cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung, cũng cần có văn bản pháp quy để người dân thấy chút ấm lòng khi cơn bão đi qua.