Dow Jones lội ngược dòng
Khép phiên, chỉ số S&P 500 tiến 1.07% lên 5,554.13 điểm. Thứ Tư đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022 chỉ số này giảm 1% trong phiên rồi sau đó khép phiên tăng hơn 1%.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 124.75 điểm, tương đương 0.31%, lên 40,861.71 điểm. Tại mức đáy trong phiên, chỉ số này lao dốc tới 743.89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2.17% lên 17,395.53 điểm, xoá sạch mức giảm trước đó trong phiên.
Nhà đầu tư đã mua vào các cổ phiếu công nghệ và chất bán dẫn vốn hoá lớn vào phiên buổi chiều, thúc đẩy Nasdaq Composite khi cổ phiếu Nvidia bật tăng 8% và cổ phiếu AMD bứt phá gần 5%. Chứng chỉ quỹ VanEck Semiconductor ETF cũng thêm 5%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bao gồm JPMorgan Chase và Goldman Sachs, cũng phục hồi từ các mức đáy trước đó và khép phiên với mức tăng nhẹ.
Chứng khoán Mỹ ban đầu giảm mạnh sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi – loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động – tăng nhẹ so với dự báo. Điều này đã làm giảm hy vọng của nhà đầu tư về việc Fed sẽ hạ lãi suất 0.5%. Theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư hiện dự báo xác suất 85% Fed sẽ chấp thuận hạ lãi suất 0.25% tại cuộc họp ngày 17 và 18/09. Tuy nhiên, CPI tổng thể đã đạt mức thấp nhất theo năm kể từ tháng 2/2021.
Steve Sosnick, Giám đốc chiến lược tại Interactive Brokers cho rằng: “Xét riêng, CPI không tệ. Tuy nhiên, điều mà thị trường không cần là chỉ số cốt lõi cao hơn dự báo. Tôi nghĩ đó là một gáo nước lạnh lớn dội vào thị trường đang hy vọng việc hạ lãi suất 0.50% có thể nằm trong khả năng. Những kỳ vọng đó đã gần như tan biến”.
Dữ liệu mới được đưa ra khi nhà đầu tư đang vật lộn với những rào cản theo mùa. Tháng 9 là tháng tồi tệ nhất đối với S&P 500 trong 10 năm qua, trung bình giảm hơn 1% trong thời gian này. S&P 500 cũng ghi nhận mức giảm trong tháng 9 của 4 năm qua.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tích tắc tiến lên trên 20 trước khi giảm xuống còn 18.
Dầu tăng hơn 2% sau phiên giảm mạnh
Bob Yawger, Giám đốc điều hành hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities cho biết: “Dầu thô đã phục hồi mạnh mẽ trở lại. Đà tăng có thể là do cơn bão Francine ảnh hưởng đến cơ sở dầu mỏ của Mỹ ở Vịnh Mexico hoặc các nhà đầu cơ nhảy vào cố gắng bắt đáy một lần nữa vào ngày hôm nay.”
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI tiến 1.56 USD, tương đương 2.37%, lên 67.31 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent cộng 1.42 USD, tương đương 2.05%, lên 70.61 USD/oz.
Đợt bán tháo mạnh vào hôm 10/09 diễn ra sau khi OPEC hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu lần thứ 2 trong 2 tháng, và khi nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm trong năm 2024. 8 thành viên OPEC+ cũng dự kiến sẽ tăng sản lượng vào tháng 12/2024.
Một số nhà đầu tư lo ngại giá dầu Brent đang lùi về mốc 60 USD/thùng, tuy nhiên, mức độ bi quan này là không có cơ sở, chuyên gia phân tích cho biết. Các yếu tố cơ bản về cung cầu chỉ ra rằng lượng dự trữ sẽ giảm, và giá dầu có thể chỉ tăng nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và OPEC+ tuân thủ hạn ngạch sản xuất của riêng mình.