Hiện nay trên thị trường đang tồn tại những CTCK mà ở đó mục tiêu không phải là kinh doanh có lãi hoặc mở rộng thị phần. Đây chính là những lực cản không nhỏ trong quá trình tái cấu trúc hệ thống CTCK nói riêng và TTCK nói chung.
Càng kín càng tốt
Đặc điểm chung của các CTCK “lạ hoắc” này là thương hiệu chỉ phủ sóng trong phạm vi rất hẹp. Không quảng bá, không niêm yết, nên chỉ những NĐT có cỡ hoặc dân chứng khoán kỳ cựu mới biết được một số thông tin (đa phần cũng chỉ là tin truyền miệng) về những CTCK này.
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là cổ đông của những CTCK lạ hoắc là ai? Đó là các “nhóm đại gia” bao gồm doanh nhân, tổ chức trong nước hoặc từ nước ngoài trở về.
Thực tế, trừ những cơ quan quản lý hoặc người trong cuộc nói ra, hầu như thông tin về cổ đông của các CTCK trong nhóm “lạ hoắc” không được công bố một cách rõ ràng, nếu có đưa ra một cái tên của tổ chức nào NĐT thạo tin cũng phải “tra ngược” mới tìm ra.
Như trường hợp CTCK P. có cổ đông là Tập đoàn S. hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, công nghiệp… Tập đoàn này được một số người biết đến thông qua một công ty địa ốc với dự án khá nổi tiếng tại khu vực Nam Sài Gòn.
Tra cứu vào mục giới thiệu về công ty P. rất khó tìm thấy phần nào nói S. là cổ đông, nhưng trên website của S. lại giới thiệu P. thuộc lĩnh vực tài chính của tập đoàn này. Năm 2009, tại một số thời điểm, giới đầu tư rộ lên tin đồn một số CTCK “lão làng” của thị trường xả hàng tính đẩy thị trường xuống, nhưng cuối cùng lại bị một nhóm NĐT xuất phát từ CTCK P. gom hàng và đánh lên.
Đây cũng là thông tin đầu tiên “tương tác” giữa CTCK P. và giới đầu tư. Như đã biết, CTCK ngoài 4 nghiệp vụ chính là môi giới, tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành còn không ít chức năng “phụ” khác.
Chẳng hạn là nơi để huy động vốn thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư, hay thậm chí là một “trạm” chung chuyển vốn từ nơi này sang nơi khác của các đơn vị trong một “group”, hoặc là một chân rết để phục vụ cho việc gom mua tài sản để khỏi bị “lộ”…
Làm giá và hoạt động theo “phi vụ”
CTCK V. có trụ sở ngay tại khu “Phố Wall” ở quận 1, TPHCM cũng có thâm niên hoạt động, nhưng lại là một cái tên khá xa lạ đối với các NĐT cá nhân. Tuy nhiên, trong giới chứng khoán CTCK V. mặc dù vốn nhỏ nhưng lại có khá nhiều “võ”.
Theo nhiều lời đồn đại, CTCK V. hoạt động không cần… khách hàng, bởi lẽ công ty có phần hùn của một số đại gia trong lĩnh vực BĐS, nên mục đích chủ yếu là để giao dịch CP do những đại gia đó nắm. Vào năm 2010, một công ty BĐS nằm cùng “dây” với CTCK V. đã chủ trương đánh CP của mình lên giá 10.0 để chào bán cho các đối tác được giá hơn. Và cho đến giờ có vẻ V. vẫn sống khỏe.
Khi được hỏi liệu có việc CTCK V. và các công ty C. hay N. có cùng một “dây” với nhau, dân chứng khoán chỉ cười khẩy và nói: Cứ xem hễ sếp lớn của N. đi nhậu là có mặt giám đốc của V. thì biết! Nếu quả thực chức năng của V. đúng như những gì đã đồn đại, chi phí dành cho hoạt động rất ít vì không phải đầu tư quá nhiều, chỉ cần có “phi vụ” sau đó lại “nghỉ chơi”.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: LÃ ANH |
Có một thực tế không phải CTCK nào hoạt động èo uột, thua lỗ phải chịu áp lực “bán mình” hay tái cấu trúc. Chẳng hạn CTCK N. với cổ đông lớn là một nhân vật có “máu mặt” trong giới tài chính, được xem là điển hình cho các CTCK hoạt động… èo uột.
Theo một số người quen biết với cổ đông lớn của N., trên bàn nhậu vị này đã tuyên bố: Không phá sản, không giải thể gì hết, cứ để đó chơi!
Trường hợp của CTCK T. lại có đôi chút khác biệt. Theo nhiều đồn đoán, một tập đoàn BĐS có tiếng nắm giữ 20% cổ phần của CTCK T. nhưng hiện giờ đã không thèm đoái hoài, để mặc vị giám đốc của công ty muốn làm gì thì làm. CTCK T. cũng không có thế mạnh về tự doanh nên hiện phải đi kiếm khách hàng.
Một NĐT kể lại, khi mới nghe giới thiệu về CTCK T. có cổ đông thuộc hàng “dữ” cũng nhảy vào nhưng chứng kiến tận mắt hoạt động của CTCK này, với những sản phẩm và cả ban lãnh đạo, người này chỉ biết lắc đầu chào thua.
Hoạt động vô thế
Vì sao các cổ đông lớn chẳng thèm thúc ép “đứa con” của mình? Dễ hiểu, bởi do vốn điều lệ chỉ tính bằng con số chục tỷ đồng nên nếu có mất cũng chỉ là chuyện “muỗi”. Chẳng hạn CTCK có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, 5 cổ đông lớn, mỗi cổ đông 10 tỷ đồng, bây giờ có phá sản mỗi cổ đông chỉ mất 10 tỷ đồng.
Bán chưa chắc đã có ai mua, “xắn tay” tái cấu trúc chưa chắc đã bằng ai, nên họ cứ để đó chờ “phi vụ” sau này tính tiếp.
Khác với những CTCK “có làm, có lỗ” và đang phải chịu áp lực từ cổ đông lớn bên trong lẫn cổ đông cá nhân bên ngoài, các CTCK “lạ hoắc” vẫn đang sống khá thong dong. Đặt trường hợp xấu nhất, một CTCK nào đó trong nhóm này phá sản cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến các NĐT cá nhân.
Trường hợp nếu duy trì thì những quy định như tỷ lệ an toàn tài chính cũng không mang tính chất răn đe hay ràng buộc. Vì một trong những mục đích tỷ lệ an toàn tài chính hướng đến là cảnh báo cho các NĐT, nhưng các CTCK này lại… không cần khách hàng. Những người có kinh nghiệm trong ngành chứng khoán nhận định, nhóm CTCK này sẽ tồn tại rất lâu, vì chẳng có áp lực gì để phải thay đổi.
Cũng có nhận định cho rằng, trong tương lai, khi các CTCK khác hoạt động chuyên nghiệp hơn, những CTCK “lạ hoắc” này sẽ trở nên bơ vơ và buộc phải thay đổi theo, nhưng liệu họ có ý thức hay vẫn tiếp tục “chây ì”. Về phía các cơ quan quản lý, tìm ra được một quy định để “siết” nhóm CTCK này là việc không đơn giản. Chừng nào các CTCK “lạ hoắc” vẫn tồn tại, chừng đó chức năng của CTCK còn bị bóp méo và việc tái cấu trúc TTCK Việt Nam vẫn chưa triệt để.