Đánh đổi tăng trưởng
Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2017, kết quả kinh doanh của CTD tăng trưởng so với 2016, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 27.153 tỷ đồng (tăng 30,7%) và 1.652 tỷ đồng (tăng 16%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể do biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh.
Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của CTD bắt đầu có xu hướng giảm mạnh từ quý II-2017, từ mức 8,7% (năm 2016) xuống mức 7,4%; biên lợi nhuận ròng giảm từ mức 6,8% (năm 2016) xuống còn 6,1%.
Hiệu quả kinh doanh không như kỳ vọng của NĐT chính là nguyên nhân khiến CTD lao dốc mạnh. Nếu tính từ mức giá đỉnh 244.900 đồng/CP (phiên giao dịch 15-11-2017), đến phiên giao dịch hôm qua (20-6), CTD chỉ còn 150.000 đồng/CP (tương đương mức giảm lên đến 38%). |
Với kết quả kinh doanh trên, cộng sức ép cạnh tranh từ các đối thủ, HĐQT của CTD đã chủ động hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh trong 2018. Tại ĐHCĐ thường niên 2018 được tổ chức đầu tháng 6, cổ đông của CTD đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng (tăng 3%) nhưng lợi nhuận lại giảm 9% (đạt 1.500 tỷ đồng).
Thực tế, theo tờ trình ban đầu của HĐQT, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận 2018 chỉ 27.200 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng (giảm gần 16% so với kết quả thực hiện 2017 là 1.652,6 tỷ đồng).
Theo đại diện CTD, lý do đặt kế hoạch lợi nhuận 2018 thấp nhằm thực hiện tốt và vượt kế hoạch, thay vì đưa ra con số cao để đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhận được không ít chỉ trích từ cổ đông, đã khiến HĐQT CTD phải điều chỉnh kế hoạch tăng lên. Điểm đáng ghi nhận khác tại ĐHCĐ là HĐQT của CTD đã đồng ý nâng mức chi trả cổ tức tiền mặt 2018 từ mức 30% lên 50% (tương đương 2017).
Sức ép cạnh tranh
Trên thực tế, sức ép cạnh tranh từ các đối thủ khiến giá trị hợp đồng ký mới của CTD có dấu hiệu chững lại, từ đó kéo theo sự sa sút về hiệu quả kinh doanh. Theo thống kê, tổng giá trị hợp đồng ký mới và chuyển tiếp cuối năm 2017 của CTD đạt lần lượt 27.498 tỷ đồng (giảm 0,7%) và 22.802 tỷ đồng (tăng 2%).
Trên thực tế, sức ép cạnh tranh từ các đối thủ khiến giá trị hợp đồng ký mới của CTD có dấu hiệu chững lại, từ đó kéo theo sự sa sút về hiệu quả kinh doanh. Theo thống kê, tổng giá trị hợp đồng ký mới và chuyển tiếp cuối năm 2017 của CTD đạt lần lượt 27.498 tỷ đồng (giảm 0,7%) và 22.802 tỷ đồng (tăng 2%).
Theo giới phân tích, sự sụt giảm về các gói thầu, ngoài sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ “truyền kiếp” là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), nay có thêm đối thủ mới là CTCP Xây dựng Central (Central Cons).
Điều đáng nói, người sáng lập Central là ông Trần Quang Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc, một trong những người đã lèo lái CTD từ những ngày đầu thành lập. Việc một trong những nhân sự chủ chốt ra đi đã dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám" tại CTD, đồng thời hàng loạt hợp đồng từ những khách hàng truyền thống cũng mất theo.
Theo thống kê, dù mới đi vào hoạt động từ tháng 7-2017 đến nay nhưng tổng giá trị ký mới của Central Cons đã lên đến 5.000 tỷ đồng. Trong số này, có khá nhiều dự án của CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) như Vinhomes Riverside The Harmony, Vinpearl Nam Hội An, Vinhomes Star City Thanh Hóa. Ngay với đối thủ trực tiếp là HBC cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực.
Minh chứng rõ nét nhất là tại lễ công bố và trao giải Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam trong tháng 6, HBC bất ngờ lọt vào Top 3 nhờ kết quả nổi bật của năm 2017, như: tăng trưởng kép về doanh thu 65,8%, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) 28%. Trong khi đó, từ vị trí thứ 5 của năm trước, CTD rơi xuống vị trí thứ 6 sau 1 năm kinh doanh không như kỳ vọng.
Ngoài hiện tượng “tháo chạy” của đội ngũ nhân sự cao cấp, một trong trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại ĐHCĐ là kế hoạch sáp nhập công ty con, trong đó có CTCP Đầu tư xây dựng Ricons, thành công ty duy nhất nhằm đảm bảo tính minh bạch.
Theo ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, việc sáp nhập công ty thành viên để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Khi đó CTD chắc chắn trở thành một công ty lớn thuộc Top 10 tại Việt Nam, với doanh thu có thể lên đến 3 tỷ USD trong năm 2020. Theo đó, để tiến hành việc sáp nhập, dự kiến CTD phải tiến hành soạn thảo tờ trình xin sáp nhập, sau đó trình ĐHCĐ bất thường và thuê đội ngũ định giá để tái định giá lại giá trị của các công ty con và tìm phương án sáp nhập.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ban lãnh đạo, kế hoạch này vẫn chưa tìm được sự đồng thuận từ các cổ đông lớn khác. Do vậy, phương án sáp nhập các công ty con của CTD sẽ được hoàn thành sau khi đưa ra phương án giải quyết được mâu thuẫn hiện tại giữa một số cổ đông lớn. Theo nhận định của giới phân tích, nếu CTD hoàn thành kế hoạch hợp nhất và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, tính minh bạch sẽ được nâng cao, từ đó kéo theo sự cải thiện về hiệu quả kinh doanh.