Đến tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố quốc gia của ông đang "trong giai đoạn cuối" của đại dịch. Tuy nhiên, kể từ đó, một làn sóng lây nhiễm mới đã bùng phát, được thúc đẩy bởi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 và các cuộc tụ tập đông đúc, chẳng hạn như lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng vào đầu tháng này.
Với sự tham gia của gần 5 triệu tín đồ Hindu và phần đông người trong số này không đeo khẩu trang, sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới nói trên đã trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm". Giới chức TP Haridwar cho biết đã phát hiện gần 2.000 ca nhiễm trong số những người tham gia lễ hội chỉ trong 2 ngày 12 và 13-4.
Theo Reuters, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ chối hoãn lễ hội Kumbh Mela (được lên kế hoạch tổ chức đến hết tháng 4), nhiều khả năng vì lo ngại sự phản đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo tại một quốc gia có phần đông người theo đạo Hindu.
Bên cạnh các hành vi không phù hợp trong cuộc chiến chống Covid-19, Giám đốc Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) Randeep Guleria nhận định biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn cũng là nguyên nhân chính khiến làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát dữ dội tại Ấn Độ.
Hồi cuối tháng 3, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Ấn Độ (NCDC) thông báo họ đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong nước bọt của người dân ở Delhi cùng các bang Maharashtra và Punjab. Kết quả giải trình tự gien cho thấy biến thể này chứa đột biến kép L452R và E484Q.
Ngoài ra, nhà virus học người Ấn Độ Shahid Jameel khẳng định với hãng tin PTI rằng chương trình tiêm chủng chậm chạp cũng là nguyên nhân khiến quốc gia của ông đang trả giá đắt vì Covid-19. "Vì nhiều lý do khác nhau, những người đủ điều kiện, bao gồm nhân viên y tế và lực lượng chống dịch tiền tuyến, e ngại tiêm vắc-xin. Nhóm dân số trên 60 tuổi cũng không mặn mà với vắc-xin ngay cả khi số ca nhiễm bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 3" - ông Jameel giải thích.