CP dược hấp dẫn NĐT ngoại

Thị trưởng đầy tiềm năng

(ĐTTCO) - Ngành dược của Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển nhất trong khu vực và nhận được sự quan tâm của NĐT ngoại. Đặc biệt, cơ hội sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp dược đang ngày càng dễ dàng hơn khi room ngoại được nới từ 49% lên 100%.

Thị trưởng đầy tiềm năng

Theo báo cáo của BMI Research, thị trường dược phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 4,2 tỷ USD năm 2015 lên 7,2 tỷ USD năm 2020 và được kỳ vọng tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ít nhất 10% trong 5-10 năm tới. Từ trước đến nay thị trường Việt Nam luôn hấp dẫn các NĐT ngoại với dân số trẻ và GDP tăng cao. Đặc biệt, Luật Dược vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực đầu năm 2017), Việt Nam đặt mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp dược theo hướng sản xuất được nhiều sản phẩm dược chất lượng cao cho người dân sử dụng. Đây chính là yếu tố lý giải cho sự có mặt của hầu hết các tập đoàn dược phẩm hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam.

Nhân chuyến viếng thăm của Tổng thống Pháp tại Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp 2016, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo 2 nước, Tập đoàn Sanofi công bố lễ ký kết thỏa thuận tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm). Theo thỏa thuận này, Vinapharm sẽ đầu tư vốn vào CTCP Sanofi Việt Nam, hiện đang sở hữu nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP) tại Khu công nghệ cao TPHCM. Nhà máy mới được xây dựng với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD theo mô hình công nghệ hiện đại, đạt năng suất tối đa 150 triệu hộp mỗi năm và là trung tâm phát triển dược phẩm cho toàn khu vực châu Á.

Tính đến thời điểm hiện nay, đây là nhà máy có vốn đầu tư lớn nhất của Sanofi trong khu vực ASEAN. Trả lời báo chí về lý do có mặt ở Việt Nam, ông Cyril Grandchamp-Desraux, Giám đốc Sanofi khu vực Đông Nam Á, cho biết không nhiều quốc gia trong khối ASEAN vừa đầu tư phát triển hạ tầng bệnh viện, hệ thống chăm sóc y tế tốt, vừa có chính sách bảo hiểm y tế mở rộng với danh mục thuốc đa dạng như Việt Nam. Đó là điều kiện thuận lợi cho ngành dược phát triển.

Sản xuất thuốc tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP).

Sản xuất thuốc tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP).

Thêm cơ hội từ việc nới room

Cuối tháng 8, UBCKNN đã có công văn chấp thuận hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của CTCP Dược phẩm Domesco (DMC). Như vậy, DMC trở thành công ty dược đầu tiên được bỏ trần sở hữu của NĐTNN. Ngay khi DMC chính thức được phép giao dịch với room ngoại 100%, cổ đông lớn tại DMC là CFR International SPA (công ty con của Abbott) đã đăng ký mua thêm lượng CP DMC tối đa lên đến 2 triệu CP. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của CFR International SPA tại DMC sẽ tăng từ 45,9% lên 51,7% (tương đương 17,95 triệu CP). Theo đó, DMC chính thức trở thành công ty con của CFR International SPA như kỳ vọng của cổ đông này trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, khả năng CFR International SPA mua đủ số lượng CP này không hề đơn giản, bởi cơ cấu cổ đông của DMC khá cô đặc. Ngoài CFR International SPA, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đang nắm 34,7% cổ phần (chưa có ý định thoái vốn), còn có Deutsche Bank Aktiengesellschaf & Deutsche Investment Management Americas Inc và Quỹ đầu tư y tế Bản Việt (VCHF) cũng đang sở hữu lần lượt gần 4,9% và 4,5% cổ phần tại DMC. Tỷ lệ CP giao dịch tự do của DMC hiện chỉ gần 8%, tương đương 2,6 triệu CP. Do vậy, CFR International SPA khó lòng mua lại từ các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, đặc biệt theo phương thức khớp lệnh trên sàn như hiện tại.

Với những thông tin trên, CP DMC tăng mạnh và nhóm CP dược có cơ hội ăn theo như: CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Dược phẩm OPC (OPC), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT), CTCP Traphaco (TRA). Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, nhiều khả năng IMP là doanh nghiệp tiếp bước DMC thông qua quyết định nới room ngoại lên 100%. Cụ thể, theo Thông tư 123 về hướng dẫn thực hiện nới room khối ngoại của UBCKNN, việc đề xuất nới room nước ngoài lên 100% chỉ cần được HĐQT công ty thông qua.

Thế nhưng, thực tế cho thấy các cổ đông lớn nhất tại các công ty dược phẩm trong nước thường nắm cổ phần chi phối rất lớn nhưng lại không mấy mặn mà trong việc thoái vốn bởi cổ tức cao và ổn định. Theo thống kê, SCIC đang nắm 43,42% cổ phần tại DHG và 35,67% cổ phần tại TRA, còn Vinapharm nắm gữ 23,75% cổ phần tại IMP. Do đó, nếu HĐQT muốn thông qua việc nới room đến 100%, HĐQT phải thuyết phục được nhóm cổ đông lớn này đồng ý tại ĐHCĐ bất thường trước khi mang ra thảo luận tại ĐHCĐ thường niên năm 2017. Như vậy, với tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nhà nước thấp hơn so với các doanh nghiệp còn lại, khả năng IMP sẽ là doanh nghiệp dược tiếp theo được nới room ngoại lên 100%.

Các tin khác