CPI tăng 0,31% do giá điện và dịch vụ y tế 'đắt đỏ' hơn

(ĐTTCO)-Tổng cục Thống kê công bố lạm phát tháng Một so với cùng kỳ năm ngoái tăng 3,37% và lạm phát cơ bản tăng 2,72%. Rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng tiếp tục tăng 0,21% so với tháng 12/2023 đồng thời tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. (Ảnh: Vietnam+)
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng tiếp tục tăng 0,21% so với tháng 12/2023 đồng thời tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. (Ảnh: Vietnam+)

Trong tháng đầu năm, một số địa phương đã thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết đây là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng 0,31% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,29%).

9/11 nhóm hàng tăng giá

Ngày 29/1, báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố lạm phát tháng Một so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 3,37% và lạm phát cơ bản tăng 2,72%. Rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tính CPI có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Trong số đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02%, làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm. Đáng chú ý, chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,09% và dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,89%. Thêm vào đó, dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 1,67%.

Tiếp đến, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56% làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm. Bà Oanh chia sẻ nguyên do giá điện sinh hoạt tháng Một tăng 1,29% so với tháng trước cộng thêm nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Ngoài ra, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng 0,53%, dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33% và gas tăng 1,69%.

Đứng thứ ba, nhóm giao thông tăng 0,41% làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm. Lý do chính được bà Oanh chia sẻ là chỉ số giá xăng tăng 0,79% và giá dầu diezen tăng 1,39%, khiến chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,64%...

Giá lương thực tiếp tục “leo thang”

Báo cáo cũng cho biết chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng đầu tiên của năm 2024 tiếp tục tăng 0,21% so với tháng 12/2023 đồng thời tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. Trong số đó, giá lương thực tăng 1,74%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3%. Riêng nhóm thực phẩm giảm nhẹ 0,09% và giúp CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm.

Trong nhóm lương thực, chỉ số giá nhóm gạo tăng 2,36%. Cụ thể, giá gạo tẻ thường tăng 2,49%; gạo tẻ ngon tăng 2% và gạo nếp tăng 1,66%.

Bà Oanh cho biết giá gạo trong nước lên theo giá xuất khẩu, do nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Philipine, Indonesia và Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn cung gạo toàn cầu tiếp tục giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu rộng. Hơn nữa, Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng đến hết năm 2024. Cộng thêm, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng khi dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Cụ thể, giá gạo tẻ trong tháng có mức dao động từ 14.800-18.500 đồng/kg, giá gạo Bắc Hương từ 20.100-23.500 đồng/kg, giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 21.900-23.800 đồng/kg, giá gạo nếp từ 26.700-40.800 đồng/kg.

“Giá gạo tăng và nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cao đã tác động đến chỉ số giá các mặt hàng lương thực khác như giá bún, bánh phở, bánh đa,” bà Oanh cho hay.

Với nhóm thực phẩm, chỉ số giảm tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng giá rau tươi, khô và chế biến giảm 2,25%; nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác cũng giảm 0,09%, chủ yếu do giá dầu thực vật giảm. Tuy nhiên, chỉ số giá thịt lợn vẫn tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước. Cụ thể, giá thịt lợn tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg trong những ngày gần đến Tết Giáp Thìn. Tính đến ngày 25/1, giá thịt lợn hơi trên thị trường chung cả nước dao động trong khoảng 52.000-57.000 đồng/kg.

Trên cơ sở đó, báo cáo chỉ ra lạm phát cơ bản tháng Một đã tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lạm phát cơ bản tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%). Theo bà Oanh, lý do chủ yếu là giá dịch vụ y tế và giáo dục chỉ tác động tăng CPI chung đồng thời thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Trong tháng, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/1, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.014,85 USD/ounce, giảm 1,23% so với tháng trước do đồng USD mạnh lên và thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khó dự đoán.

“Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm vàng của người dân trước Tết Nguyên đán tăng và điều này đã khiến chỉ số giá vàng nội địa tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước,” bà Oanh cho biết.

Các tin khác