Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, tháng 11 giá một số hàng hóa sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu tăng vào dịp cuối năm và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang có nguy cơ tái phát...
Tuy nhiên, cùng với việc tích cực thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 11, công tác chuẩn bị hàng hóa tại các địa phương đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng khiến giá cả hàng hóa trong tháng 11 sẽ không có biến động lớn.
Đây là những yếu tố “tiếp lửa” cho kỳ vọng tiếp tục giảm tốc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11. Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 sẽ tăng khoảng 0,2-0,3% so với tháng 10.
Theo Tổ điều hành, trong thời gian tới, giá gạo trong nước tăng nhẹ do nhu cầu thu mua chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Thìn và lượng gạo xuất khẩu những tháng cuối năm tăng cao. Trong khi đó, các loại thực phẩm tươi sống tiếp tục ổn định, riêng rau xanh có thể tăng nhẹ.
Giá đường tháng 11 cũng được dự báo ổn định. Theo dự kiến, cuối tháng 11 sẽ có khoảng 30 nhà máy đường đi vào hoạt động, với lượng đường ép được khoảng 120.000 tấn, cùng với lượng đường tồn kho có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, giá sữa bột nhập khẩu được dự báo có thể tăng nhẹ do biến động về tỷ giá.
Mặt hàng muối được dự báo tiếp tục giữ giá và chỉ tăng nhẹ do vụ sản xuất đã bước vào cuối vụ nên lượng muối sản xuất khoogn nhiều. Bên cạnh đó, mưa lũ nhiều nên việc lưu thông cũng bị ảnh hưởng.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi trong nước hiện đang ổn định. Do giá lợn hơi và giá gà giảm mạnh trong thời gian qua nên các công ty thức ăn chăn nuôi chưa tăng giá mặt hàng này. Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, trong tháng 11, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục ổn định.
Với mặt hàng phân bón, do nhu cầu bắt đầu tăng để chuẩn bị cho vụ đông xuân cùng với tác động của tỷ giá tăng nên mặt hàng này được dự báo sẽ tăng nhẹ.
Nhóm hàng xây dựng cũng được dự báo sẽ không có biến động trong tháng 11. Trái với quy luật hàng năm, thời điểm này sản xuất và tiêu thụ thép giảm mạnh do thị trường bất động sản còn trì trệ, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Do sản xuất và tiêu thụ không mạnh nên giá thép trong tháng 11 được dự báo tiếp tục ổn định. Mặt hàng xi măng trong tháng 10 tiêu thụ giảm, giá bán ổn định và được dự báo sẽ tiếp tục ổn định.
Không có nhiều biến động, mặt hàng giấy cũng được dự báo ổn định trong tháng 11. Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, giấy các loại trong tháng 10 đạt 113.000 tấn, giảm 18.000 tấn so với tháng 9. Hiện giá giấy các loại vẫn ổn định, giá bán các loại giấy không thay đổi so với tháng 9.
Giá bán than trong nước cũng được dự báo tiếp tục ổn định. Trong khí đó, giá gas có xu hướng tăng nhẹ do giá dầu thô thế giới được dự báo tăng cũng như việc tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ liên tục được điều chỉnh tăng.
Theo tổ điều hành thị trường trong nước, cung cầu thuốc trong thời gian tới vẫn tiếp tục được đảm bảo, một số mặt hàng sẽ có điều chỉnh tăng giá do biến động các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu nhập khẩu, biến động tỷ giá cuối năm.