Trái ngược với sự hăm hở và khoa trương khi nhận được quyết định thành lập CTCK cách đây vài năm, nay các CTCK lại âm thầm rút lui khỏi TTCK để chấm dứt "kiếp" thua lỗ kéo dài.
Đại gia cũng gặp khó
Theo thống kê, trong tổng số hơn 50 CTCK lớn nhỏ công bố BCTC quý I-2013, có đến 1/3 CTCK báo lỗ với tổng lỗ hơn 60 tỷ đồng. Điều dễ dàng nhận thấy là phần lớn các CTCK thua lỗ đều là những công ty ít tên tuổi và chiếm thị phần thấp trên TTCK. Trong khi đó, mặc dù báo lãi nhưng các CTCK còn lại đều có tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước và danh sách các CTCK có lãi đều tập trung ở những tên tuổi lớn trên TTCK.
Toàn thị trường hiện có 11 CTCK nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, 3 CTCK bị đình chỉ hoạt động 6 tháng, 4 CTCK rút nghiệp vụ môi giới, 3 CTCK rút nghiệp vụ tự doanh và 3 CTCK tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên của 2 Sở Giao dịch HOSE và HNX. |
Chẳng han, CTCK Sài Gòn (SSI) dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế với 148,5 tỷ đồng, nhưng mức lợi nhuận này giảm đến 30% so với cùng kỳ. Các CTCK xếp sau dù không thua lỗ nhưng lợi nhuận đi xuống như: CTCK TPHCM (HCM) giảm 23%, CTCK FPT (FPTS) giảm 35%, CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) và CTCK Kim Long (KLS) giảm gần 50%.Hiện tượng các CTCK đại gia giảm lợi nhuận là điều hết sức bất ngờ, vì TTCK kể từ đầu năm đến nay có những đợt sóng tương đối mạnh. Theo lý giải của các CTCK này, lợi nhuận suy giảm bắt nguồn từ việc giảm doanh thu. Cụ thể, theo BCTC của FPTS, doanh thu từ mảng môi giới CK trong kỳ đạt 12 tỷ đồng (giảm 21%) và doanh thu từ hoạt động tư vấn chỉ đạt hơn 900 triệu đồng (giảm 94%).
Thêm vào đó, tổng chi phí tăng 14% cũng góp phần làm lợi nhuận FPTS giảm đáng kể. Theo giải trình của Tổng giám đốc FPTS Nguyễn Điệp Tùng, từ khi công ty thực hiện chính sách giảm phí môi giới cho mọi giao dịch qua internet kể từ ngày 13-7-2012, doanh thu môi giới giảm mạnh.
Ngoài ra, trong điều kiện TTCK quý I chịu nhiều tác động không tốt bởi các thông tin kinh tế vĩ mô nên có ít doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết, dẫn đến dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp cũng khó triển khai. Đặc biệt, việc lãi suất ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm đã ảnh hưởng đến tiền gửi của FPTS tại các ngân hàng.
Không níu kéo
Sau hơn 6 năm hoạt động bết bát (lỗ lũy kế tính đến thời điểm hiện nay gần 150 tỷ đồng), HĐQT của CTCK Âu Việt (AVS) đã đi đến quyết định giải thể doanh nghiệp và quyết định này đã được thông qua tại ĐHCĐ được tổ chức ngày 20-3 vừa qua.
Điều bất ngờ là quyết định không vấp phải sự phản đối, tranh chấp hay kiện cáo từ các cổ đông, thường thấy mỗi khi doanh nghiệp tuyên bố giải thế. Thậm chí, quyết định giải thể AVS dễ dàng được thông qua với tỷ lệ chấp thuận đạt giá trị tuyệt đối là 100%.
Điều này bởi nếu nhìn vào thực tế của AVS, việc giải thể doanh nghiệp lại là quyết định hết sức hợp lý, thậm chí cổ đông còn có lợi hơn việc duy trì hoạt động trong tình trạng "dở sống dở chết".
|
Quyết định giải thể của AVS đã được ĐHCĐ thông qua 100%.Ảnh: L.THANH |
Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT của AVS, cho biết 2013 tiếp tục là năm rất khó khăn của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực CK. Trong khi đó, khi tham khảo với các chuyên gia CK nước ngoài, tất cả đều khuyến cáo môi trường kinh doanh hiện nay không tạo ra cơ hội phát triển về môi giới cho AVS.
Hơn hết, AVS lại gặp bất lợi bởi là người đi sau nên không thể chạy đua cạnh tranh một cách an toàn. Bối cảnh khó khăn này buộc AVS quyết định thanh lý tài sản, giải thể doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành. Với tổng tài sản hiện tại, mỗi cổ phần của AVS sẽ được nhận lại 6.000 đồng, trong khi giá AVS thời điểm này chưa đầy 5.000 đồng/CP.
Để đi đến quyết định giải thể, AVS phải thực hiện rất nhiều thủ tục. Đầu tiên là xin rút các nghiệp vụ kinh doanh như: môi giới CK, bảo lãnh phát hành CK, lưu ký, tư vấn đầu tư CK (chỉ giữ lại nghiệp vụ tự doanh nhằm giải quyết danh mục CP còn tồn đọng). Sau đó tiến hành hủy niêm yết trên HNX…
Cho dù hoạt động này mất nhiều thời gian và tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng việc AVS chính thức giải thể sẽ là tiền đề cho hàng loạt quyết định đóng cửa của các CTCK, nhất là những CTCK đang gặp vấn đề.