CTCK mắc cạn vì quy định mới

Cho dù kết quả kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt kể từ năm 2013, nhưng nhiều CTCK vẫn chưa thể “thoát xác” do “tàn dư” của những năm tháng thua lỗ trước đó. Nhưng nỗ lực của các CTCK này đã phần nào được ghi nhận qua các chỉ tiêu tài chính và giá CP trên TTCK.

Cho dù kết quả kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt kể từ năm 2013, nhưng nhiều CTCK vẫn chưa thể “thoát xác” do “tàn dư” của những năm tháng thua lỗ trước đó. Nhưng nỗ lực của các CTCK này đã phần nào được ghi nhận qua các chỉ tiêu tài chính và giá CP trên TTCK.

Ngày 3-4, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin về việc đưa mã CP của 4 CTCK vào diện cảnh báo căn cứ kết quả kinh doanh trên BCTC năm 2013 đã kiểm toán, gồm: CTCK Phương Đông (ORS), CTCK Bảo Việt (BVS), CTCK Phố Wall (WSS) và CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Cả 4 CTCK này đều có lợi nhuận sau thuế lũy kế đến cuối năm 2013 là con số âm. Trong đó, SHS lỗ lũy kế 336 tỷ đồng, ORS lỗ lũy kế  210 tỷ đồng, BVS lỗ lũy kế 149 tỷ đồng và WSS lỗ lũy kế 417 triệu đồng.

Dù nằm trong diện cảnh báo nhưng CP của các CTCK luôn nằm trong nhóm CP dẫn đầu TTCK với mức tăng vô cùng ấn tượng. Theo thống kê, chỉ trong quý I-2014, BVS tăng 62%, SHS tăng 70%, WSS tăng 53%. Đặc biệt là ORS tăng hơn 100% chỉ trong 3 tháng đầu năm.

Dù việc kinh doanh đã thuận lợi, song theo Quy chế niêm yết chứng khoán mới được ban hành kèm theo Quyết định 18/QĐ-SGDHN vào ngày 17-1-2014 của Tổng giám đốc HNX, một trong những nội dung mới được quy định là bổ sung các trường hợp có lợi nhuận chưa phân phối (lỗ lũy kế) trên BCTC kiểm toán năm âm sẽ bị đưa vào diện cảnh báo.

Với quy định mới này, dù tình hình kinh doanh của các CTCK đã được cải thiện sau 1 năm tăng trưởng mạnh của TTCK, nhưng với con số thua lỗ quá lớn từ những năm trước nên lợi nhuận sau thuế năm 2013 vẫn không thể kéo lại. Theo BCTC kiểm toán năm 2013, BVS lãi ròng 86 tỷ đồng, SHS lãi ròng 11,6 tỷ đồng, còn WSS khiêm tốn hơn với chưa đầy 800 triệu đồng.

Việc CP các CTCK bị đưa vào diện cảnh báo được xem là “tai nạn”, bởi sau một thời gian dài làm ăn bết bát, nhiều CTCK đã chủ động đề ra các giải pháp quyết liệt nhằm cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng hiệu quả hơn. Đơn cử trường hợp của BVS.

Ngay từ năm 2011, HĐQT của CTCK này đã có chủ trương đối với hoạt động đầu tư theo hướng thận trọng, hiệu quả; thực hiện giảm dần tỷ trọng đầu tư vào CP để nâng tỷ trọng tiền mặt và các khoản đầu tư có lãi suất cố định. Bên cạnh đó, lãnh đạo BVS cũng từng bước thực hiện tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh; tăng cường nguồn lực cho các hoạt động dịch vụ như môi giới, tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ...

Giao dịch tại CTCK SHS.

Giao dịch tại CTCK SHS.

Theo BCTC năm 2013 đã được kiểm toán của BVS, ngoại trừ lợi nhuận chưa phân phối là con số âm, các chỉ tiêu khác đều được ghi nhận theo chiều hướng tích cực. Chẳng hạn, tổng doanh thu trong 2 năm 2012 và 2013 lần lượt đạt 208,6 tỷ đồng và 207,4 tỷ đồng (tương đương 135% và 112,7% so với kế hoạch), lợi nhuận đạt 77,3 tỷ đồng và 85,7 tỷ đồng (tương đương 530% và 110,5% so với kế hoạch đề ra).

Tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng trưởng đều đặn, tại thời điểm 31-12-2013 lần lượt đạt 1.792 tỷ đồng và 1.212 tỷ đồng (tăng 17% và 8% so với năm 2012). Bên cạnh những thành tích về mặt kinh doanh, BVS luôn duy trì tỷ lệ an toàn tài chính ở mức cao trên thị trường với tỷ lệ vốn khả dụng năm 2012 đạt 453% và năm 2013 đạt 553% (cao hơn mức quy định của Bộ Tài chính từ 2-3 lần).

Hay như trường hợp của ORS. Sau khi bị HNX đưa vào diện cảnh báo, lãnh đạo CTCK này đã ngay lập tức công bố thông tin nhằm trấn an cổ đông và NĐT của mình. Theo ông Diệp Trí Minh, quyền Tổng giám đốc ORS, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện toàn bộ hoạt động kinh doanh và bộ máy nhân sự hiệu quả, cơ cấu danh mục tự doanh theo hướng hiệu quả hơn, tiếp tục thu hồi các khoản công nợ, đẩy mạnh hoạt động môi giới nhằm tăng doanh thu và mở rộng thị phần...

Những giải pháp này đang dần phát huy được hiệu quả và điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I-2013 của ORS đã bắt đầu có lãi.

Các tin khác