Giai đoạn 2006-2010 chứng kiến số lượng chi nhánh, phòng giao dịch (PGD), đại lý nhận lệnh của các CTCK được mở ra một cách ồ ạt, nhưng rồi cũng nhanh chóng đóng cửa từ 2011 đến hết năm 2013. Song bắt đầu từ năm 2014, các CTCK lại muốn gia tăng số lượng “vệ tinh” của mình.
Hết thời hoành tráng
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2015, đã có đến 2 CTCK tốp đầu mở ra 3 PGD. Đầu tiên là CTCK TPHCM (HSC) với 2 PGD tại TPHCM (PGD Nguyễn Văn Trỗi) và Hà Nội (PGD Láng Hạ), tiếp đến là CTCK Bảo Việt (BVSC) với PGD tại 233 Đồng Khởi (quận 1, TPHCM). Trong khi cũng chỉ mới khoảng nửa năm trước, một CTCK nằm trong tốp đầu, trực thuộc ngân hàng lớn đã đóng cửa một loạt PGD.
Một trường hợp khác là CTCK vốn ngoại, vài năm trước cũng đã tiến hành gia tăng số lượng chi nhánh tại khắp các tỉnh, thành nhưng hiệu quả không như kỳ vọng và phải đóng cửa ở một số nơi. Nghĩa là không phải cứ mở PGD là ăn nên làm ra như hồi năm 2010 trở về trước, mà trái lại đây là một hoạt động có tính rủi ro.
Có thể số lượng PGD, chi nhánh của các CTCK sẽ tăng trong năm 2015, nhưng sẽ không có cuộc đua ở đây mà bắt nguồn từ thực lực, nhu cầu của từng CTCK. |
Người quản lý PGD của một CTCK lớn chia sẻ, thời còn làm nhân viên, anh đã từng thắc mắc với lãnh đạo của mình tại sao nguồn thu chi nhánh rất lớn, nhưng cuối cùng lại bị “hao hụt” đi một phần. Câu trả lời là vì công ty cắt đi một phần nguồn thu từ chi nhánh này để đắp cho những chi nhánh khác, thường là ở tỉnh để tạo hình ảnh tích cực cho toàn hệ thống để đơn vị nào cũng có kết quả tích cực! Điều này cũng chỉ ra thực tế các PGD, chi nhánh của CTCK ở tỉnh khá kém.
Thậm chí, ngay cả những tỉnh, thành được cho là “giàu có” việc thuyết phục được NĐT đến với chứng khoán không hề dễ dàng. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, có khá nhiều CTCK mở chi nhánh tại đây, cũng có nhiều NĐT sở hữu CP, nhưng mở tài khoản chứng khoán để lưu ký, nhận cổ tức chứ không giao dịch.
Những NĐT này thường là nhân viên của các công ty thuộc Petro Vietnam, có CP đang niêm yết trên sàn. Hoặc như một số thành phố du lịch ở miền Trung, nhìn chung với bản tính chi tiêu có phần chặt chẽ, cẩn trọng nên NĐT tại đây cũng tiếp xúc với chứng khoán khá dè dặt, nên CTCK cũng khó có nguồn thu lớn tại các thị trường này.
Làm thiệt, ăn thật
Thời CTCK ăn nên làm ra, việc mở một số PGD tương đối dễ dàng, ngoài việc kiếm nguồn thu, có lẽ còn muốn tạo ra hình ảnh về một mạng lưới rộng khắp để làm thương hiệu. Nhưng thị trường ngày càng nhiều thách thức, ưu tiên hình ảnh phải nhường chỗ cho “cơm gạo”.
Và cũng chính vì chú ý đến hiệu quả mà việc thành lập các PGD, chi nhánh trong bối cảnh hiện nay sẽ khác trước rất nhiều. Tại lễ khai trương PGD Đồng Khởi diễn ra vào ngày 30-1 của CTCK BVSC, Tổng Giám đốc BVSC Nhữ Đình Hòa cho biết:
“Hiện nay số lượng PGD so với quy mô thị phần của BVSC hiện vẫn còn khá ít. Tỷ lệ tăng trưởng thị phần hơn 30% trong năm 2014 và dự kiến chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2015 này. Trước đây, tự doanh là hoạt động chủ lực của BVSC, nhưng trong những năm qua BVSC đã định hướng tập trung cho môi giới. Vậy nên việc thành lập thêm PGD để phục vụ cho kế hoạch là điều bắt buộc”.
Nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy các CTCK đã và có ý định mở rộng hệ thống giao dịch của mình sẽ bao gồm 2 nhóm chính:
Nhóm thứ 1: Các CTCK có số lượng PGD còn ít, như trường hợp của BVSC. Hiện có những CTCK thị phần lớn, hoặc có vị thế trên TTCK cũng rất lớn, nhưng hệ thống giao dịch lại chưa bao phủ. Một trong những nguyên nhân phổ biến là các CTCK này đã từng có giai đoạn khó khăn, phải tiến hành tái cấu trúc và đến giờ mới bước ra khỏi khó khăn.
Vậy nên từ chỗ vượt khó, đến giai đoạn tăng trưởng có lẽ cần nhiều sự thay đổi. Rút kinh nghiệm từ những đợt mở rộng hệ thống trước đây, có thể nhóm CTCK này sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn thay vì mở ồ ạt. Chi tiết đáng chú ý ở đây là các PGD, chi nhánh mới được CTCK mở ra đều bắt nguồn từ 2 trung tâm của TTCK là TPHCM và Hà Nội, chứ không “lan man” ra các tỉnh, thành khác. Nghĩa là các CTCK muốn phát triển thị trường một cách thực dụng hơn là lấy tiếng.
CTCK Bảo Việt (BVSC) khai trương PGD Đồng Khởi ngày 30-1 |
Nhóm thứ 2: Khởi nguồn từ mô hình lập các phòng môi giới như Thăng Long trước đây (giờ là MBS), VN Direct… hiện tại một số CTCK có tiếng là cứng nhắc trong mô hình quản lý, nghĩa là hạn chế lập phòng, mở chi nhánh, cũng bắt đầu thay đổi.
Theo đó, chỉ cần một hay một nhóm nhân viên đảm bảo được chỉ tiêu về doanh thu, có kế hoạch mở rộng thị phần hợp lý là có thể được lập ra một phòng môi giới cho riêng mình. Các phòng này tùy vào quy mô, có thể duy trì nằm ngay tại hội sở, hoặc nếu có khả năng mở ra một thị trường nào đó sẽ lựa chọn một địa điểm để lập thành một PGD.
Khi lập ra một PGD, những người đứng đầu sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển, chẳng hạn như tuyển thêm người, đào tạo và có những cách thức tìm kiếm, chăm sóc khách hàng riêng cho mình. Mặt khác, việc gia tăng số lượng PGD cũng đồng thời tạo ra một đội ngũ quản lý cấp trung cho các CTCK và tăng cường tuyển lựa các nhân viên.