Tại Nhà tang lễ Quốc gia, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Ban Tổ chức lễ tang điều hành Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Ban Tổ chức lễ tang điều hành Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: QUANG PHÚC
Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng.
Tham gia đoàn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ… Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến lễ viếng
Gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ viếng
Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng
Tiếp đó, Đoàn Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đoàn Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng
Đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đoàn Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
*Vào lúc 6 giờ sáng 25-7, tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn các phương tiện và người dân tuân thủ các phương án phục vụ Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phía ngoài nhà tang lễ, một số người dân đã đến sớm, mong muốn được trực tiếp chứng kiến những khoảnh khắc của Lễ Quốc tang vị lãnh đạo hết lòng vì dân, vì nước.
Tại ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ, bác Đinh Thị Huệ (xã Yên Xuyên, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: "Tôi đi xe buýt từ 5 giờ, đến đây lúc 6 giờ. Qua đài, báo, xem các thông tin về hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi rất yêu kính bác Nguyễn Phú Trọng, thấy bác là vị lãnh đạo cao quý, bình dị như Bác Hồ, bác Võ Nguyên Giáp vậy. Khi được tin bác mất, tôi rất bàng hoàng, thương tiếc. Hôm nay, tôi đến sớm để viếng bác nhưng được biết 17 giờ người dân mới được vào. Tôi sẽ chờ đến chiều vào viếng bác xong mới về. Sáng mai tôi sẽ tiếp tục ra đây để tiễn bác một đoạn đường".
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Người cao tuổi TP Hà Nội xách theo nước uống, bánh mì, quạt giấy, ô che mưa... có mặt ở cổng nhà tang lễ từ 6 giờ, sẵn sàng đợi đến đêm để viếng Tổng Bí thư. Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, bà Hà cho biết, từ lúc nhận tin Tổng Bí thư mất, lúc nào bà cũng dâng trào cảm xúc và chực trào nước mắt, cảm giác hụt hẫng, mất mát quá lớn. Dù vậy, bà bày tỏ tin tưởng vào tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cả hệ thống chính trị sẽ tiếp nối di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại. “Ngày mai tôi lại đến để tiễn đưa bác Trọng, như tôi đã từng đi tiễn bác Võ Nguyên Giáp”, bà Hà xúc động.
Người dân đến khu vực Nhà tang lễ Quốc gia chờ vào viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Có mặt trong dòng người viếng Tổng Bí thư từ sớm, em Cao Tiến Hải, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường THPT Thanh Hà (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bắt xe lên Hà Nội từ chiều 24-7, ở nhà người quen và đến nhà tang lễ để viếng Tổng Bí thư từ lúc 5 giờ sáng nay.
“Nhà người quen ở gần Nghĩa trang Mai Dịch nên sáng mai em sẽ tiễn bác Trọng ở đó, còn hôm nay em vẫn đến đây để viếng Tổng Bí thư”, Hải chia sẻ và cho biết, rất biết ơn đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo trọn đời cống hiến vì nước vì dân, rất quan tâm đến thế hệ trẻ, là tấm gương sáng, hình mẫu lý tưởng để thế hệ trẻ học tập, noi theo. Biết trước trong ngày hôm nay có thể chưa đến lượt viếng Tổng Bí thư, nhưng Hải và những người bạn đi cùng cho biết, đã mang theo lương khô, nước uống, sẵn sàng đợi đến đêm để viếng Tổng Bí thư.
Ở phía ngoài nhà tang lễ, anh Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Hà Nội cho biết, Thành đoàn Hà Nội đã huy động hơn 4.000 sinh viên tình nguyện trên địa bàn phối hợp cùng các lực lượng chức năng phục vụ quốc tang. Trong ngày 25-7, tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, thôn Lại Đà, Nghĩa trang Mai Dịch, các thanh niên tình nguyện sẽ tổ chức các điểm phục vụ miễn phí nước uống, quạt, khăn giấy, áo mưa cho lực lượng chức năng và người dân có nhu cầu. Ngày 26-7, toàn bộ lực lượng hơn 4.000 sinh viên sẽ rải đều suốt cung đường xe tang đi qua. Nhiệm vụ chính là cùng lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Các bạn sinh viên Đại học Mở Hà Nội đang triển khai các hoạt động phục vụ miễn phí nước uống, quạt tại khu vực nhà tang lễ. Các bạn đều tự nguyện đăng ký với các tổ chức Đoàn để được phục vụ tại sự kiện quan trọng này, chia sẻ nỗi đau thương mất mát cùng người dân cả nước.
Tại làng Lại Đà, xã Đông Hội, từ 6 giờ sáng đã có rất đông bà con địa phương và nhân dân khắp nơi tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù 7 giờ sáng, tang lễ mới chính thức bắt đầu nhưng do lượng người tới viếng rất đông và theo phong tục của địa phương, nên ban tổ chức đã cho bà con địa phương, họ hàng, người thân của Tổng Bí thư vào viếng trước để giảm bớt quá tải.
>>>Dưới đây là hình ảnh tại thôn Lại Đà:
Người dân thôn Lại Đà vào viếng Tổng Bí thư
Người dân thôn Lại Đà vào viếng Tổng Bí thư
Hôm nay, 25-7, tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Trong hai ngày Quốc tang (25 và 26-7), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vị trí trang trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh. QUANG PHÚC
Bắt đầu từ 7 giờ hôm nay, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại 3 địa điểm: Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TPHCM; quê nhà Tổng Bí thư, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TPHà Nội.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25-7 và từ 7 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26-7, tại cả 3 địa điểm trên.
Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), trước thời điểm Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra. Ảnh: QUANG PHÚC
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; thường trú tại nhà số 5, phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tham gia công tác từ năm 1967; vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19-12-1967; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, XII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa XI, XII, XIII; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19-7-2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và gia quyến đồng chí.
Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.
Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 35 đồng chí, do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng ban; Ban Tổ chức lễ tang gồm 27 đồng chí, do đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng ban.