Trong toàn bộ bài Văn sách thi Đình, khoa Tân Mùi năm 1871 ở trường thi Huế, ông đã có cách nhìn mới, thực tế và nghiêm khắc về kỷ cương, phép nước. Ông đã khái quát tệ nạn tham nhũng và cách dùng người dưới triều Tự Đức.
Theo ghi chép, vua Tự Đức đã ra đề thi Đình, toàn văn như sau: “Trẫm thường đọc sách Luận Ngữ đến chỗ Từ Công hỏi về chính sự, Khổng Tử nói rằng: Đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy. Trẫm từng đêm ngày lo nghĩ mà vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đông đảo kẻ sĩ các ngươi lúc mới xuất thân, ắt hẳn có sở học Kinh bang tế thế.
Vậy thì những loại việc thiết thực như vậy, suy nghĩ cho từ cổ đến kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để có công hiệu hãy nói hết với trẫm. Các ngươi chớ lặp lại người khác, chớ bàn phù phiếm, trẫm cũng bất tất phải hỏi nhiều để các ngươi có thì giờ rộng rãi, nói được hết ý nghĩa, xứng với ý muốn của trẫm”.
Bài văn sách của Nguyễn Khuyến đã vạch trần tình trạng tham nhũng, lãng phí đang phát triển từ chốn thôn quê đến tận châu, huyện, phủ và cả triều đình. Ông viết: “Chốn đồng điền nhiều con em chơi bời, lười nhác. Nơi tổng, xã có cường hào sâu mọt đục khoét. Nhà giàu đặt nợ lãi để kiếm cách bao chiếm. Con buôn nắm giữ lấy giá cả để kiếm lợi to. Đó là nguồn gốc của sự thiếu thốn vậy.
Thêm vào đó, trong thì bộ, viện, tự… (của triều đình) ngoài thì tỉnh, phủ… đem số thuế khóa rất hẹp hòi mà cung đốn cho bọn nhân viên rất phiền nhũng, của cải làm sao mà không hao tán. Nhiều lần triều đình đã phải gộp người lại hoặc bớt đi (giống như tinh giản biên chế ngày nay), nhưng bọn quan lại lạm ngạch, bọn cường hào quen thói tập hợp nhau để cố nài xin, việc ấy rốt cục phải nửa chừng đình chỉ”…
Sau khi nêu lên thực trạng nói trên của xã hội nhà Nguyễn đương thời, Nguyễn Khuyến đề xuất với vua: “Thần xin rằng từ nay những việc như tập tục xa xỉ, ăn mặc xa hoa, con em lười nhác, hào cường bóc lột… nhất thiết đều cấm hết, mà cấm một cách dứt khoát”.
Ông cũng vạch trần nạn tham nhũng trong quân đội của triều đình với các vấn nạn như: “Nhà cửa, vật dụng của viên quản xuất đều do người lính cung cấp; than củi, đèn dầu, đòi hỏi không bao giờ chán. Có người được chọn ra chờ đợi rồi thả cho họ về để lấy tiền. Có người được đi phép nhưng vẫn còn tạm lưu lại để đòi lễ vật.
Đến như tới phiên sai phái, có thể lấy tiền mà thay, đến kỳ thao diễn có thể lấy tiền mà thuê. Ngày thường đã lấy đút lót làm sa ngã ý chí của họ rồi, lúc lâm sự làm sao có thể lấy kỷ luật mà ràng buộc họ được. Vì thế chưa đến trận mạc đã tìm cách sống, chưa chạm gươm đao đã có bụng lùi, nên cuối cùng quân lính trở thành vô dụng vậy”.
Nguyễn Khuyến phân tích: “Thực ra xe không tiến lên vì ngựa không chịu đi, chính sự không nên nỗi vì người không chịu làm. Có phải thiên hạ đã hết nhân tài? Chắc chắn là không phải như thế… Đường vào cửa quan có nhiều lối, muốn ngăn chặn bọn xấu, bọn bất tài, dùng tiền của để mua quan, xin xỏ, gian dối để thăng quan, tiến chức, không thể không bằng tư cách…”.
Chữ “tư cách” Nguyễn Khuyến dùng giống như từ tiêu chuẩn cán bộ ngày nay. Ông còn viết: “Ai mà thứ bậc chưa đến, dù liêm chính cũng phải tra cứu thêm. Đường lối làm quan đã nhiều, việc bổ nhiệm càng phức tạp. Người chạy vạy ở cửa quan trên, người đến hạn phải đổi thì chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến dân. Lòng tư một lúc đã sai lạc, việc công bị bỏ trễ vậy”…
Để việc chọn đúng người tài, thăng quan đúng người, đúng việc, Nguyễn Khuyến đề xuất với vua: “Cứ 5 năm một lần, đặc cách chọn một viên đại thần thanh liêm, cần mẫn, giỏi giang sung làm chức Truất trắc sứ (Chánh Thanh tra hiện nay) ở các đạo. Viên này sẽ đi thăm hỏi khắp nơi. Người bất tài bị truất giáng, người tài giỏi được tặng thưởng.
Quan trên, ai cất nhắc không xứng đáng, hoặc có người hiền tài không biết cất nhắc cũng tâu xin xử lý, phạt tội thích đáng. Làm được như vậy người liêm chính có sự khuyến khích, người tham ô có sự răn đe, mà điều uất ức của người dân cũng được thấu suốt lên trên vậy”.
Nhưng có được người tốt, người hiền rồi, cũng có lúc chưa được việc. Theo phân tích của Nguyễn Khuyến, sở dĩ có điều đó vì triều đình chưa dùng được chữ tín, chữ tín tức là kỷ cương, phép nước.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự là Miễu Chi. Ông sinh ngày 15-2-1835, tại tỉnh Hà Nam, nay là tỉnh Nam Định.
Vì vậy ông cho rằng: “Trong chữ Tín của một ông vua, thưởng phạt là tối quan trọng. Phải thưởng cho một người để khuyến khích muôn người. Phải trừng trị một người cho muôn người biết sợ. Lấy đó mà lập pháp, pháp nhất định lập. Lấy đó mà thi hành chính sự, chính sự nhất định thi hành. Lấy đó mà làm cho nước giàu thì điều hại nhất định bị bãi bỏ, điều lợi nhất định được dấy lên, nước sẽ giàu...".
Thông qua bài viết, Nguyễn Khuyến khẩn khoản tâu nhà vua rằng: “Thần cúi trông bệ hạ lấy một chữ TÍN để khích lệ bản thân. Lúc đầu là tiên hiền, lúc sau là dùng hiền, cũng phải dùng chữ tín. Chớ có bất nhất. Hiệu lệnh nghiêm minh, chính là đem chữ tín ra để đặt làm hiệu lệnh. Chế độ dứt khoát chính là đem chữ tín ra đặt làm chế độ”…
Rõ ràng đây không chỉ là bài văn sách thi Đình của cụ Nguyễn Khuyến, mà cao hơn đó chính là nhân cách, ý chí và tấm lòng vì dân, vì nước của ông với hiện trạng đất nước lúc bấy giờ.