Cửa hàng điện máy gắng gượng tồn tại

(ĐTTCO) - Sự bành trướng của chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy đang đẩy các cửa hàng kinh doanh điện tử nhỏ lẻ vào tình trạng ế ẩm. Nhiều chủ kinh doanh đã quyết định đóng cửa hoặc chuyển nghề, dù đây là nghề kinh doanh chính nuôi sống gia đình hàng chục năm nay. 
 
Cửa hàng điện máy gắng gượng tồn tại
Tự tìm lối thoát
Ông T., chủ cửa hàng kinh doanh tại khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TPHCM) không giấu vẻ xúc động khi được hỏi về quyết định nghỉ kinh doanh các mặt hàng điện tử của mình. Ông T. kinh doanh mặt hàng điện tử này từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, các mặt hàng điện tử đều là hàng nội địa - tên gọi của các mặt hàng điện tử cũ nhập từ Nhật Bản thông qua các thủy thủ tàu viễn dương.
Theo ông T. những ngày đầu ông chuyên kinh doanh mặt hàng tivi và máy cassette cũ. Dù khu vực ngã tư Bảy Hiền có hàng chục cửa hàng kinh doanh, nhưng mỗi cửa hàng chuyên về một mặt hàng riêng nên mạnh ai nấy làm, không có sự cạnh tranh hay kèn cựa nhau. Sau này, khi mặt hàng nội địa không còn được khách hàng ưa chuộng, các cửa hàng chuyển sang bán hàng mới. 
Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, sự xuất hiện của chuỗi siêu thị điện máy khiến việc làm ăn của các cửa hàng kinh doanh khu vực này gặp nhiều khó khăn. Với ưu thế tài chính, các ông lớn điện máy xây dựng hàng loạt trung tâm mua sắm hoành tráng và liên tục tung ra các chương trình khuyến mại lôi kéo khách hàng.
Nếu trước đây, vào những dịp Tết đến, hàng nhập về bán không kịp do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vào dịp cuối năm thường rất lớn, nay cả ngày nhiều khi không bán được sản phẩm nào. Sau khi khu vực này bị giải tỏa để phục vụ cho tuyến metro, cộng với việc khó khăn trong kinh doanh, nhiều chủ cửa hàng đã quyết định giải nghệ. Riêng ông T. vẫn duy trì việc kinh doanh và sửa chữa hàng điện máy tại nhà cho khách quen. 
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị L. chủ cơ sở điện máy nhỏ tại quận Gò Vấp đã quyết định chuyển sang kinh doanh các mặt hàng điện tử online nhằm giảm tối đa chi phí mặt bằng và nhân viên. Chị cho biết trước đây cửa hàng của gia đình chuyên cung ứng hàng cho các dự án xây dựng, liên kết với chủ đầu tư và nhà thiết kế nội thất để cung cấp trọn gói cho văn phòng, căn hộ mới xây dựng. Khi thỏa thuận xong với khách hàng, cửa hàng sẽ vận chuyển hàng từ kho của hãng/nhà phân phối đến địa điểm giao hàng và lắp đặt.
Nay công việc này gặp khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều cửa hàng, trung tâm lớn có tiềm lực tài chính mạnh, chị L. tự tìm lối thoát qua việc mở rộng bán hàng cho khách hàng lẻ nhằm tận dụng ưu thế về giá (thấp hơn các trung tâm điện máy 7-30%), giao hàng nhanh và đặc biệt là có đầy đủ giấy tờ bảo hành chính hãng. Khó khăn lớn nhất của mô hình kinh doanh này là khách hàng chỉ xem sản phẩm qua hình ảnh chứ không được sờ tận tay nên ban đầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, chị L., vẫn khá tự tin với sự chuyển hướng này bởi theo chị, kinh doanh online chính là xu hướng kinh doanh của tương lai. 

Ông lớn cũng thu gọn
Thực tế cho thấy, áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện tử không chỉ đối với các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ mà ngay cả các chuỗi siêu thị điện máy lớn cũng liên tục tự làm mới mình nếu không muốn bị đối thủ bỏ xa. Đã có không ít đại gia tuyên bố phá sản hoặc thu gọn lại, dù đứng sau lưng là các tập đoàn tài chính mạnh, như Topcare, Wonder Buy, Best Carings, Home One, Việt Long, hay trường hợp mới đây của Đệ Nhất Phan Khang.
Lý do đóng cửa do chi phí vận hành lớn, trong đó chi phí thuê mặt bằng chiếm 30-50%; kế đến là chi phí cho các chương trình khuyến mại, quảng cáo, nhân sự… Đặc biệt, để có thể cạnh tranh với các đối thủ, nhiều doanh nghiệp đầu tư dàn trải, mở nhiều trung tâm, chi nhánh nhưng thu không đủ bù chi, nên đóng cửa là kết cục không tránh khỏi.
Theo thống kê, trong mảng bán lẻ điện máy, thị trường hiện vẫn còn phân tán cao với hơn 50% thị phần nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ. Thị phần còn lại thuộc về các đại gia như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Trần Anh, Điện máy Xanh.
Dự báo, những đại gia này sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ. Trong các chuỗi cửa hàng điện máy, Trần Anh đứng đầu về hiệu quả khai thác diện tích sàn, với doanh thu trung bình 20,3 triệu đồng/m2/tháng. Nguyễn Kim có mức hiệu quả khai thác cải thiện đều đặn qua các năm và đạt 18,3 triệu đồng/m2/tháng. 
Theo nhiều chuyên gia, trong tương lai, xu hướng phát triển ngành vẫn tập trung vào các nhà bán lẻ lớn với hệ thống cửa hàng có độ phủ cao, chất lượng dịch vụ tốt. Khi thị trường tiêu thụ mặt hàng điện tử bước vào ngưỡng bão hòa tăng trưởng chậm, các chuỗi bán lẻ lớn vẫn còn tiềm năng tăng trưởng từ việc mở rộng thị phần, đặc biệt trong thị trường điện máy đang phân tán.
Ngoài ra, mức tiêu dùng cho các mặt hàng điện tử sẽ chuyển dịch một phần từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh mua bán online. Đơn cử, từ giữa năm 2016, MWG bắt đầu triển khai chuỗi Điện máy Xanh mini (diện tích sàn 500-800m2). Và trong khi các siêu thị điện máy tập trung xây dựng theo mô hình đại siêu thị, quy mô lên tới vài ngàn mét vuông và bày bán đầy đủ các loại mặt hàng từ điện thoại di động đến điện máy, MWG lại chọn ngách nhỏ hơn, với công thức: Cửa hàng nhỏ + nhiều = Thu tiền to.
Với ý tưởng mới này, mục tiêu của MWG là khuếch trương chuỗi cửa hàng điện máy, thâm nhập sâu thị trường nhỏ lẻ, đặc biệt là địa bàn nông thôn. Để phù hợp với thiết kế nhỏ và linh động, MWG đã điều chỉnh lại số lượng các dòng hàng để dần loại bỏ các dòng sản phẩm cồng kềnh giá trị cao.
Tuy nhiên, số lượng dòng hàng có thể thay đổi trong tương lai tùy thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng trong từng khu vực. Theo lý giải của MWG, việc phát triển theo quy mô nhỏ sẽ giúp MWG dễ dàng hơn trong việc tìm các mặt bằng mới. Do đó, số lượng cửa hàng mở mới trong tương lai sẽ gia tăng nhanh hơn so với việc mở các siêu thị điện máy lớn trước đây. Vì vậy, hệ thống Điện máy Xanh sẽ linh hoạt trong việc gia tăng độ phủ sóng mạng lưới, gần hơn với người tiêu dùng. 

Các tin khác