Cục diện thị trường tài chính thế giới

Tâm lý e ngại rủi ro trong tháng 10

Tâm lý e ngại rủi ro trong tháng 10

Cách đây 28 năm, vào ngày 19-10-1987, TTCK toàn cầu chứng kiến cú sụp đổ kinh hoàng nhất lịch sử gọi là “ngày thứ 2 đen tối”, với việc các chỉ số chứng khoán giảm hơn 20% trong một ngày. Từ đó, tháng 10 thường là nỗi ám ảnh của giới đầu tư chứng khoán.

Các NĐT đều không thể nào giải thích tại sao các cuộc sụp đổ lớn như năm 1929 (giảm 19,9%), năm 1987 (giảm 21,8%), năm 2008 (giảm 16,9%) đều diễn ra vào tháng 10. Mặc dù nhìn chung trong 50 năm qua, tỷ suất sinh lợi trong tháng 10 của chỉ số S&P 500 không đến nỗi tệ, xấp xỉ 1%, nhưng tâm lý các NĐT vẫn thường rất e ngại với tháng 10 bởi những cú sụp đổ thất thường trong quá khứ.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy tháng 10-2015 ẩn chứa nhiều rủi ro. Ngay cả IMF, vào ngày 8-10-2015 cũng đưa cảnh báo khả năng diễn ra cú sốc sụp đổ tài chính toàn cầu. Những giải thích dưới đây sẽ giải thích tại sao rủi ro của thị trường tài chính toàn cầu đang ở mức cao.

Thông số “Thiên nga đen” tăng cao đột biến

Các thông số đo lường độ biến động cho thấy rủi ro “Thiên nga đen” đang tăng cao bất thường ở thời điểm hiện tại. “Thiên nga đen” là một thuật ngữ mô tả các biến cố ngẫu nhiên, bất ngờ nhưng mang lại các hệ quả to lớn. Trên thị trường tài chính, “Thiên nga đen” ám chỉ khả năng diễn ra sụp đổ (crash) hoặc đình trệ (recession).

Quan sát chỉ báo CBOE Skew Index, một chỉ báo đo lường giá của các hợp đồng quyền chọn OTM (out-of-the money) trên chỉ số S&P 500, cho thấy chỉ số CBOE Skew Index tăng thể hiện rủi ro của thị trường tăng cao và thường tăng đột biến khi diễn ra sụp đổ.

Hiện nay, CBOE Skew Index đã tăng 30% kể từ cuối tháng 9. Vào ngày 12-10-2015, nó đã đóng cửa mức 148,92 điểm, cao hơn cả năm 2006, trước khi bong bóng nhà đất Hoa Kỳ vỡ tung và năm 1998 khi quỹ Long term Capital Management phá sản.

Nhìn chỉ báo của GS. Robert Shiller

Robert Shiller là giáo sư Đại học Yale và được xem là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới về kinh tế học và tài chính, ông Shiller đã xây dựng một chỉ báo dùng để so sánh giá cổ phiếu với lợi nhuận doanh nghiệp - Shiller cyclically adjusted price earnings (CAPE). Đầu năm 2015, chỉ báo này ở mức 27,2 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo 25.

Kể từ năm 1881 đến nay, chỉ có 3 lần chỉ báo này vượt ngưỡng nói trên vào các năm 1929, 1999 và 2007. Sau mỗi lần như vậy, TTCK đều lao dốc mạnh, trong đó có sự kiện bong bóng dotcom nổ tung vào đầu thập niên 2000. Và cho tới nay, chỉ số Nasdaq vẫn chưa thể lấy lại toàn bộ những gì đã mất từ đợt sụp đổ này.

Những lời cảnh báo của vị giáo sư đại học Yale xuất phát từ mức định giá cao ngất ngưởng trên TTCK, hiện chỉ báo này đã được điều chỉnh về mức 24,78 sau khi chỉ số S&P 500 giảm gần 5% kể từ mức đỉnh.

Biểu đồ cho thấy mối quan hệ giữa thay đổi dự trữ ngoại hối toàn cầu và chỉ số đo lường độ biến động của TTCK - VIX Index. Vào giai đoạn sụp đổ 2008, dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm do phải đối phó với sự sụp đổ của TTCK. Chỉ số VIX tăng lên cho thấy sự sợ hãi tăng khi có suy thoái toàn cầu. Hiện nay, một bức tranh tương tự đang tái hiện. Cùng với việc dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm, thì chỉ số VIX tăng mạnh, đặc biệt sau khi Trung Quốc phá giá NDT.
Biểu đồ cho thấy mối quan hệ giữa thay đổi dự trữ ngoại hối toàn cầu và chỉ số đo lường
độ biến động của TTCK - VIX Index. Vào giai đoạn sụp đổ 2008, dự trữ ngoại hối toàn
cầu sụt giảm do phải đối phó với sự sụp đổ của TTCK. Chỉ số VIX tăng lên cho thấy
sự sợ hãi tăng khi có suy thoái toàn cầu. Hiện nay, một bức tranh tương tự đang tái hiện.
Cùng với việc dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm, thì chỉ số VIX tăng mạnh, đặc biệt sau
khi Trung Quốc phá giá NDT.

Chiến tranh tiền tệ tiếp tục làm tăng rủi ro tài sản toàn cầu

Rủi ro hệ thống của thị trường tài chính ngày nay đang tăng lên bởi sự can thiệp của các ngân hàng trung ương (NHTW) vào hệ thống tài chính trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong năm 2015, đã có 49 NHTW tiến hành cắt giảm lãi suất hoặc phá giá đồng tiền nhằm giành lấy lợi thế xuất khẩu.

Tính từ năm 2008, đã có hơn 600 lần cắt giảm lãi suất của các NHTW trên toàn cầu. FED đã in hơn 14.000 tỷ USD bơm vào hệ thống tài chính toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Nền kinh tế toàn cầu không bị hạ đòn bẩy tài chính (de-leverage) từ cú sụp đổ năm 2008 mà trái lại còn tăng nợ toàn cầu lên mức cao hơn, vượt 40% so với năm 2007.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự phóng đang giảm từ 3% xuống còn 2,5% trong năm 2015 (theo Ngân hàng Thế giới-WB). Một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Brazil đang rơi vào khó khăn, đà tăng trưởng đang suy giảm.

Biểu đồ cho thấy độ biến động của tài sản chéo (cross asset volatility) trong năm 2015 đang tăng mạnh từ mức đáy thấp nhất 3 thập niên trong năm 2014. Chính động thái bơm tiền ồ ạt của FED và các ngân hàng trung ương đã khiến cho độ biến động của các tài sản tăng vọt.
Biểu đồ cho thấy độ biến động của tài sản chéo (cross asset volatility) trong năm 2015
đang tăng mạnh từ mức đáy thấp nhất 3 thập niên trong năm 2014. Chính động thái
bơm tiền ồ ạt của FED và các ngân hàng trung ương đã khiến cho độ biến động
của các tài sản tăng vọt.

Dự trữ ngoại hối toàn cầu bên ngoài Hoa Kỳ đã giảm hơn 1.000 tỷ USD từ đỉnh tháng 8-2014 khi các NHTW phải bán đi tài sản, trong dự trữ ngoại hối để bù đắp cho sự tháo chạy của dòng vốn (capital flight) và sự sụt giảm của giá hàng hóa. Lần cuối cùng dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm cũng trên 1.000 tỷ USD chính là trước thời điểm sụp đổ 2008.

Và vào ngày 28-10-2015 tới đây, FED sẽ tiến hành họp để quyết định về chính sách lãi suất, vốn đã giữ ở mức gần 0% trong suốt 7 năm qua. Một khi các NHTW trên thế giới ngừng việc phá giá tiền pháp định, đó cũng là lúc tạo ra đợt bất ổn mới. Nên nhớ, vào năm 2008, đồng USD tăng giá mạnh giữa bối cảnh suy thoái toàn cầu. Liệu lịch sử có lặp lại?

Khoa Tài chính-Đại học Kinh tế TPHCM vừa đưa vào vận hành “Trung tâm dữ liệu kinh tế - tài chính”, nhằm mục đích cung cấp dữ liệu kinh tế - tài chính trên thế giới và Việt Nam để phục vụ hoạt động nghiên cứu. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các dữ liệu này trong hoạt động kinh doanh và hoạch định chiến lược của mình, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Trung tâm còn là một mô hình giúp các sinh viên và nghiên cứu sinh có được mô hình học tập gắn liền với những diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu để bổ sung cho những lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. Qua đó nâng cao trình độ và kỹ năng sau khi ra trường để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

(tổng hợp thông tin từ Trung tâm dữ liệu kinh tế - tài chính) 

Các tin khác