Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ NN-PTNT, về những giải pháp tăng năng lực ngăn ngừa, phòng chống thiên tai cho hệ thống đê sông, đê biển.
Ông Vũ Xuân Thành
- PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng của hệ thống đê sông, đê biển ở nước ta hiện nay?
>> Ông VŨ XUÂN THÀNH: Nước ta có hệ thống đê điều với quy mô rất lớn, tổng chiều dài khoảng 9.300km (6.400km đê sông, gần 2.900km đê biển). Trong số đó, có 2.700km đê được phân cấp từ cấp 3 đến cấp đặc biệt. Đê điều là công trình quan trọng, được xây dựng, tu bổ và bảo vệ qua nhiều thế hệ, nhằm ngăn nước lũ, nước biển, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gắn với quốc phòng, an ninh. Phần lớn tuyến đê còn đang được kết hợp làm đường giao thông, vì vậy, càng cần phải bảo vệ, tu bổ.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các tuyến đê chỉ được đắp bằng đất, dưới tác động của mưa lũ, bão, triều cường, gió mùa Tây Nam… nên thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, khó đảm bảo an toàn. Tình trạng vi phạm đê điều (lấn chiếm hành lang, hút cát bừa bãi lòng sông) vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đe dọa “sức khỏe” của đê, tiềm ẩn nguy cơ khi có thiên tai lớn như bão từ cấp 12 trở lên, xả lũ hồ chứa, lũ lụt.
- Thời gian gần đây, hàng loạt tuyến đê biển ở miền Tây nói riêng và ở Nam bộ nói chung đang bị đánh sạt do triều cường kỷ lục, gió mùa Tây Nam tác động. Trong nội đồng, đê sông cũng thi nhau sạt lở, kéo sụp nhà cửa, ruộng vườn… làm người dân rất lo lắng. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Nơi đang hứng chịu tình trạng sạt lở nặng là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ năm 2007 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển ở đây có xu thế gia tăng cả phạm vi lẫn quy mô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nguyên nhân là do diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bên cạnh đó, gia tăng sạt lở tại ĐBSCL còn do tình trạng ồ ạt khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu, việc khai thác nước ngầm quá mức đang gây sụt lún đất. Trong khi lượng phù sa về ĐBSCL giảm mạnh do các nước trên thượng nguồn sông Mê Công gia tăng các hồ thủy điện. Trong tương lai gần, số lượng hồ chứa được quy hoạch trên thượng lưu sông Mê Công sẽ là 161 công trình với tổng dung tích 101,9 tỷ m3 thì lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm chỉ còn dưới 20%.
- Đến nay, Nhà nước đã đầu tư cho hệ thống đê điều trên phạm vi cả nước như thế nào?
Trong những năm qua, hệ thống đê điều đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư kinh phí cho việc tu bổ, sửa chữa và nâng cấp, song do chiều dài đê lớn, nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp có hạn, nên hiện tại còn nhiều đoạn đê, tuyến đê chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai ngày một cực đoan và khốc liệt.
Khu vực ĐBSCL đã được hỗ trợ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; nhưng việc áp dụng các giải pháp còn thiếu đồng bộ. Một số công trình áp dụng giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, chưa bám sát các quy định về tiêu chuẩn thiết kế, thi công nên đã bị hư hỏng, hoặc không đạt được mục tiêu đề ra. Hầu hết công trình phòng chống sạt lở bờ sông được thực hiện tại những khu vực bị sạt lở theo hướng “hỏng đâu làm đấy”, thiếu kế hoạch dài hạn, căn cơ cho toàn hệ thống sông, kênh, rạch trong vùng. Còn các tuyến kè giảm sóng bờ biển, hầu hết chưa được lượng hóa cụ thể thông qua tính toán các yếu tố về sóng, thủy triều, đường bờ nên hiệu quả gây bồi chưa cao.
Về kinh phí tu bổ đê điều hàng năm thì trước năm 2014, trung bình mỗi năm được đầu tư khoảng 200 đến 250 tỷ đồng, phân bổ cho 19 tỉnh có hệ thống đê từ cấp 3 đến đặc biệt, với khoảng 2.700km đê. Tuy nhiên từ năm 2014, nguồn kinh phí này giảm mạnh, chỉ còn 50 tỷ đồng/năm cho toàn bộ 2.700km, không đáp ứng được nhu cầu hiện đang đặt ra.
- Nhiều ý kiến cho rằng, có những tuyến đê lớn như đê sông Hồng ở miền Bắc, lâu rồi cũng không còn lũ lụt lớn, nên không cần phải tốn kém đầu tư bảo vệ đê như trước nữa?
Mặc dù trong 17 năm qua, kể từ sau trận lũ năm 2002, trên hệ thống sông Hồng chưa xảy ra lũ lớn, lại có các công trình hồ chứa thủy điện lớn phía thượng lưu điều tiết lũ, nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan. Điều này rất nguy hiểm bởi vì khi xảy ra lũ lớn ở hạ du là lúc các công trình hồ chứa thượng lưu không còn khả năng cắt lũ, thậm chí còn phải xả lũ lớn để đảm bảo an toàn công trình thì hệ thống đê sông khó có thể chống đỡ. Thêm nữa, sau nhiều năm không xảy ra lũ lớn, khi có lũ lớn xảy ra, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng sẽ gặp lúng túng vì thiếu kinh nghiệm, trong khi hệ thống đê điều lại xảy ra nhiều sự cố hơn do nhiều năm chưa phải chịu mức lũ cao.
Nếu để xảy ra vỡ đê, nhất là đối với hệ thống đê sông Hồng đang bảo vệ 15.000km², với số dân 20,2 triệu người, trong đó có khu vực có trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng là thủ đô Hà Nội, tập trung nhiều khu công nghiệp, trọng điểm kinh tế, cơ sở hạ tầng... thì sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng và sẽ là thảm họa.
- Làm cách nào để bảo vệ tốt hơn hệ thống đê điều?
Thiên tai ngày một thất thường, khắc nghiệt. Bão to, lũ lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không còn giữ đúng quy luật tự nhiên. Để công tác hộ đê, phòng chống lũ bão, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trong thời gian trước mắt và lâu dài, bên cạnh tăng cường đầu tư củng cố, tu bổ đê điều… thì các địa phương, các cấp, các ngành cũng phải tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trước các hiểm họa thiên tai như mưa, lũ, bão; hạn chế tình trạng lấn chiếm không gian thoát lũ, chứa lũ; tăng cường công tác kiểm tra đê kè, lòng sông, bãi biển để ngăn chặn các vi phạm... Trước mắt, cần nhanh chóng xóa đi những trọng điểm xung yếu về đê, kè, cống, không để xảy ra vỡ đê đột ngột.
- Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ông đánh giá như thế nào về 2 dự án luật này?
Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được ban hành đã góp phần hoàn thiện đáng kể hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Nhưng trong quá trình thi hành, luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường dưới tác động của biến đổi khí hậu.
- Xin cảm ơn ông!