Củng cố mối quan hệ Việt Nam - Hà Lan qua các dự án nông nghiệp bền vững

(ĐTTCO) - Tháp tùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm Việt Nam là đoàn gồm 23 công ty và tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao và số hóa.

Đối tác chiến lược nông nghiệp

Thủ tướng Mark Rutte đã có chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày ngày 1 và 2-11 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh 2 nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam. Trước đó, ông Mark Rutte có hai chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 6-2014 và 4-2019.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh 2023

Trong chuyến viếng thăm Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 10-2022, Thủ tướng Mark Rutte đã khẳng định: "Hà Lan là người bạn châu Âu của Việt Nam". Chính vì vậy, cùng tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm Việt Nam lần này là đoàn gồm 23 công ty và tổ chức trong lĩnh vực công nghệ cao và số hóa. Đây là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hà Lan có nhiều thế mạnh.

Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Hà Lan có khoảng 400 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 13,5 tỷ USD.

Đáng chú ý là trong hàng trăm dự án mà doanh nghiệp Hà Lan đầu tư tại Việt Nam, có nhiều dự dự án nông nghiệp. Đây có thể xem là những dự án nằm trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ Đối tác Chiến lược Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực giữa hai nước được ký kết năm 2014 nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte.

“Cú bắt tay” nghìn tỷ

Tập đoàn De Heus là một trong những nhà đầu tư nông nghiệp Hà Lan đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Năm 2008, De Heus đánh dấu sự có mặt của mình bằng quyết định mua lại mua 2 nhà máy Bình Dương và Hải Phòng.

Đến nay, De Heus đã đạt được bước phát triển ấn tượng với hơn 20 nhà máy, cùng hệ thống kho trung chuyển trải dài khắp 3 miền Bắc Trung Nam. De Heus hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cả về quy mô, sản lượng và doanh thu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết MoU giữa De Heus và Hùng Nhơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết MoU giữa De Heus và Hùng Nhơn

Trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, De Heus “bắt tay” với Tập đoàn Hùng Nhơn thông qua liên doanh DHN. Đây được xem là liên doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Một trong những dự án điển hình của liên doanh này chính là Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN đã và đang xây dựng tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Liên doanh DHN đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.

Bước ngoặt cho ngành chăn nuôi

Đánh giá về đối tác của mình tại Việt Nam, ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc De Heus toàn cầu, cho biết: “Hùng Nhơn là doanh nghiệp chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Đặc biệt, mô hình hoạt động của Hùng Nhơn phù hợp với kế hoạch phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh với mục tiêu trở thành người bạn đồng hành của người chăn nuôi và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam. De Heus mong muốn hợp tác với Hùng Nhơn để cùng đồng hành thực hiện các mục tiêu này”.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như De Heus, Windmill, Koudijs... Do vậy, được hợp tác với De Heus là vinh dự cho Hùng Nhơn.

“Việc hợp tác với De Heus giúp chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ về công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Hà Lan. Từ đó, phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn của Hùng Nhơn trong tương lai”, ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Lễ khởi công dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của DHN với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng tại Tây Ninh

Lễ khởi công dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của DHN với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng tại Tây Ninh

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng có những đánh giá cao về liên doanh DHN. “Việc Liên doanh DHN khởi công dự án chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày ký biên bản hợp tác đầu tư cho thấy Hùng Nhơn và De Heus là những doanh nghiệp có uy tín, năng lực. Với sự có mặt của DHN, ngành chăn nuôi tại các địa phương mà liên doanh này có mặt sẽ có bước phát triển vượt bật trong tương lai”, ông Nguyễn Thanh Ngọc hy vọng.

Tại Tây Ninh, đầu tháng 6 vừa qua, De Heus và Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với UBND tỉnh Tây Ninh về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

Các tin khác