Vào những năm 1800, khi cách mạng công nghiệp lần 1 nổ ra, các nước mới nổi bị tụt lại phía sau. Giờ đây, sau nhiều năm vươn lên mạnh mẽ, liệu lịch sử có lặp lại đối với các nước này?
Trong thập kỷ vừa qua, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến vai trò của các nền kinh tế mới nổi trong hoạt động sản xuất toàn cầu tăng vọt. Tuy nhiên, giờ đây, người ta có thể nhìn thấy 1 vài dấu hiệu cho thấy tốc độ phát triển của các nước này đang chậm lại. Đây chính là 1 trong những hệ quả từ những thay đổi lớn lao trong hoạt động sản xuất - cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Quay trở lại thời kỳ 2010 - 2011, sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi được dẫn dắt bởi Trung Quốc và theo sau đó là Ấn Độ, Brazil, các nước Tây Âu và Nga. Chi phí sản xuất ở mức thấp, đặc biệt là lao động giá rẻ chính là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy các công ty chuyển hướng sang các khu vực này, mặc dù người tiêu dùng cuối cùng tập trung ở phương Tây. Thêm vào đó, nhu cầu về hàng hóa được sản xuất tinh vi hơn cũng tăng cao ở các nước đang phát triển.
Trong năm 2000, các quốc gia giàu có chiếm tới 73% sản lượng sản xuất toàn cầu trong khi các nền kinh tế mới nổi chỉ chiếm 27% còn lại. Trong vòng 5 năm sau đó, con số dành cho các nước phương Tây giảm xuống còn 69%. Đến năm 2011, con số còn sụt giảm mạnh hơn nữa, xuống chỉ còn 54%. Có thể quan sát điều này trên các dữ liệu được HIS Global công bố.
Tỷ trọng các nước trong sản lượng sản xuất toàn cầu giai đoạn 2005 - 2011 (đơn vị: %) |
Trung Quốc chính là nước đứng đằng sau hầu hết những thay đổi này. Năm 2000, Trung Quốc chỉ chiếm 7% sản lượng công nghiệp toàn cầu. Tỷ lệ tăng lên 9,8% vào năm 2005 và sau đó tăng gấp đôi, lên mức 19,8% trong 6 năm tiếp theo. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ xét theo khía cạnh này. Đến năm 2011, sự thay đổi mang tính chất lịch sử đã diễn ra: Đây là năm đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ, Hoa Kỳ đánh mất vị trí nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc mạnh mẽ hơn bất cứ quốc gia mới nổi nào khác. Trong thời kỳ 2000 – 2011, tỷ trọng sản xuất của Brazil trong nền kinh tế thế giới chỉ tăng từ 1,7% lên 2,9%, của Ấn Độ tăng từ 1,2% lên 2,3% và của Nga tăng từ 0,8% lên 2,3%.
Tuy nhiên, cũng cần phải đặt những con số này trong bối cảnh lịch sử. Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không phải là điều ngạc nhiên đối với các chuyên gia kinh tế thời kỳ giữa thế kỷ 19. Sản xuất công nghiệp vẫn đóng vai trò trọng tâm trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong hàng trăm năm cho đến những năm 1840.
Dân số vẫn là yếu tố chi phối sản lượng công nghiệp của các quốc gia. Những yếu tố khác, đặc biệt là công nghệ, bị bỏ qua. Kết quả là, trong những năm 1800, các quốc gia được gọi là “các nước mới nổi” hiện nay chính là những người chèo lái hoạt động sản xuất toàn cầu. Với qui mô dân số lớn, các quốc gia này chiếm tới 71% sản lượng công nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, các nước phát triển ở phương Tây chỉ chiếm 29%.
Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra kéo theo sự bùng nổ của nền công nghiệp nước Anh, Trung Quốc bị thay thế. Cuộc cách mạng công nghiệp tạo nên những đột phá tại các nhà máy phương Tây với đủ các lĩnh vực, từ dệt may đến cơ khí. Chính những nước có qui mô dân số nhỏ lại chiếm ưu thế.
Cuộc cánh mạng công nghiệp không thể chạm đến các nền kinh tế mới nổi mà ngược lại chỉ tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây với phạm vi ảnh hưởng trải rộng từ Anh đến phần còn lại của Tây Âu và lan sang Hoa Kỳ. Đến năm 1900, tỷ trọng của Trung Quốc sụt giảm xuống còn 6% và của toàn bộ các nền kinh tế mới nổi chỉ là 13%. 87% còn lại thuộc về các nước phương Tây.
Tỷ trọng các nước trong sản lượng sản xuất toàn cầu giai đoạn 1800 - 2011 (đơn vị: %) |
Trở lại với năm 2012, có thể nhìn thấy 1 vài dấu hiệu cho thấy tốc độ phát triển của các nước mới nổi lại đang chậm lại. Liệu có phải lịch sử 1 lần nữa lặp lại?
Trong thời kỳ 2010 – 2011, các nền kinh tế mới nổi đã tăng tỷ trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu từ 43,3% lên 46%. Tuy nhiên, phần lớn mức tăng này được tạo ra bởi Trung Quốc. Phần còn lại được phân bổ giữa các nước Mexico, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, số liệu 6 tháng gần đây cho thấy hoạt động sản xuất đã suy giảm ở những nước này.
Đối với các nước phương Tây thì sao? Ở Hoa Kỳ, những công ty lớn như General Electric, Caterpillar và Ford đang quay trở lại đầu tư trong nước là dấu hiệu cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này sẽ tăng lên trong vài năm tới. Trong khi đó, bức tranh dành cho các nước châu Âu cũng sáng sủa hơn.
Công nghệ chính là yếu tố chủ chốt đem lại hi vọng cho các nước phương Tây. Điển hình như công nghệ in 3D, Hoa Kỳ và Tây Âu là những nước có được công nghệ tiên tiến nhất. Tình hình cũng tương tự đối với các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Thêm vào đó, xu hướng cơ sở sản xuất được đặt ở gần thị trường tiêu thụ lại trở thành chủ đạo. Xu hướng này giúp sản phẩm gần với thị hiếu của người tiêu dùng hơn so với được sản xuất ở 1 nước mới nổi xa xôi, bất chấp chi phí sản xuất ở đó thấp hơn nhiều. Hơn nữa, chi phí lao động ở các nước mới nổi cũng đang tăng lên.
Tất nhiên, rất khó để các nước phương Tây có thể khiến lịch sử lặp lại như thời kỳ những năm 1900. Dẫu vậy, chắc chắn tỷ trọng của các nước này sẽ tăng lên trong khi dường như Trung Quốc và các nước mới nổi đã bị mất phương hướng.
Không giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước kia vốn chỉ tập trung ở các quốc gia phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp của thời đại ngày nay phủ khắp toàn cầu và do đó tầm ảnh hưởng cũng rộng hơn. Tuy nhiên, những tác động ban đầu có thể được cảm nhận rõ ràng hơn ở các nước giàu có và rất có thể lịch sử sẽ được lặp lại.