Thị trường trị giá 200 tỷ USD/năm này đang chứng kiến những cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Một mỏ khai thác cát trái phép dọc sông Chambal, bang Madhya Pradesh của Ấn Độ
Nhiều, rẻ và dễ khai thác
Cát là nguyên liệu chính của ngành xây dựng và là loại vật liệu không thể thiếu trong các lĩnh vực như khoan dầu, sản xuất chip điện tử, kính, mỹ phẩm và nhiều lĩnh vực sản xuất khác. Trong đó, ngành xây dựng tiêu thụ cát lớn nhất, chiếm 70% lượng cát được rút ra từ lòng đất.
Theo báo cáo từ Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), dù không thể tính toán chính xác lượng khai thác nhưng cát đang chiếm khoảng 85% lượng tài nguyên khai thác toàn cầu mỗi năm, tương đương hơn 40 tỷ tấn và trở thành loại tài nguyên được khai thác nhiều nhất thế giới.
Đây là một khối lượng khổng lồ, tương đương với một dải cát có chiều rộng 27m, dày 27m và chiều dài tương đương với đường xích đạo. Do đó, cát là mặt hàng hái ra tiền vì cát vừa nhiều, dễ khai thác, lại vừa rẻ. Giá cát dao động 8 - 12 USD/tấn. Ở châu Á và châu Phi, sự bùng nổ xây dựng đã làm tăng nhu cầu cát gấp ba lần trong 2 thập niên qua.
Theo số liệu của UNEP, Ấn Độ và Trung Quốc đang đứng đầu danh sách các quốc gia có nhiều hoạt động khai thác cát trái phép. Ngoài ra, Trung Quốc hiện nay cũng là nguồn tiêu thụ cát lớn nhất thế giới, 57% cát khai thác trên hành tinh đổ về thị trường đông dân nhất toàn cầu này.
Nếu so sánh, khối lượng tiêu thụ của Trung Quốc cao gấp 25 lần so với của Mỹ và trong giai đoạn từ 2011-2013, khối lượng xi măng tiêu thụ tại Trung Quốc tương đương với của Mỹ trong suốt thế kỷ 20. Sau Trung Quốc là Singapore, quốc gia phải nhập khẩu cát, chủ yếu là từ các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, Sri Lanka, Philippines, Myanmar hay Campuchia.
Hệ lụy cho môi trường
Dự báo, việc khai thác cát và sỏi được dự đoán sẽ tăng lên 82 tỷ tấn vào năm 2060 trên toàn cầu. Để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ của nhân loại ngày càng lớn, các nhà cung cấp cát đang lao vào cuộc chạy đua tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên này, họ có thể xúc cát từ lòng đại dương, sông ngòi hay các mỏ cát. Hệ lụy kèm theo là từ châu Âu sang châu Á, các mạng lưới buôn lậu cát ngày càng hoành hành. Tại Ấn Độ, các đường dây buôn cát trái phép nguy hiểm không thua các tổ chức tội phạm mafia ở Italy.
Theo chuyên gia Buchet, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về biển thuộc Trường Công giáo Paris Christian Buchet, Singapore trong vài thập niên gần đây đã lấn ra biển đến 120km2. Chưa đề cập đến tác động đối với môi trường, hệ động - thực vật, thì rõ ràng để lấn ra biển như vậy, Singapore đã phải nhập khẩu lượng cát khổng lồ.
Không chỉ có Singapore, hiện nay Hong Kong (Trung Quốc) hay Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) cũng đã áp dụng chiến thuật lấn biển. Những hòn đảo bị đe dọa nhấn chìm trong lòng đại đương vì mực nước biển dâng cao, như đảo Maldive (Ấn Độ Dương) hay Kiribati (Thái Bình Dương)... cần hàng triệu tấn cát để đắp đê.
Đáng chú ý, nhu cầu về cát ngày càng tăng đã dẫn đến buôn bán cát trái phép ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trên toàn thế giới đang có những hậu quả nghiêm trọng. Những quốc gia xuất khẩu cát phải chịu hậu quả trực tiếp là nước biển dâng, đất canh tác và nguồn nước bị nhiễm mặn.
Cũng chính vì lượng cát ven bờ bị hao hụt lớn, nên khi bị sóng thần, nước tràn sâu hơn vào đất liền khiến đất bị sạt lở. Do đó, khai thác cát quá mức sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài động - thực vật, và là một thách thức đối với nhân loại. Nếu một dòng sông bị hút cát đến cạn kiệt, tất cả những ngôi làng, người dân sống nhờ vào con sông đó bị đe dọa. Họ phải bỏ làng đi nơi khác sinh sống, thường là lên thành thị, tạo áp lực lớn đến môi trường sống ở đô thị.
Nhận thức được mối đe dọa đối với môi trường, một số nước xuất khẩu cát đã ban hành một loạt lệnh cấm hoặc giới hạn khai thác, xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Tuy nhiên, hầu hết các lệnh cấm đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm ngặt.